Mối tình đầu

…Bắt đầu từ một câu đùa. Lúc đó em đang chì chiết: “Cậu chưa yêu bao giờ làm sao biết cách mà yêu tôi!” khiến thằng bạn cùng lớp ớ người, mặt đỏ dừ. Sâm quay lại từ hàng ghế trên: “Vậy thì Nhung yêu anh đi, anh đã từng yêu, bây giờ vẫn đang yêu đây này”. Sau buổi giao lưu sinh viên toàn khoa đó, Sâm chia tay với người kia thật, không phải tại em, chắc chắn thế.

Sâm đau đớn một cách hào sảng, chỉ vào ngực mình bảo: “Tình yêu phải được đáp đền bằng chính sự chân thật ở đây này”. Nghĩa là Sâm không chấp nhận mảy may gian dối nào trong tình cảm, huống hồ người ấy lại kịp thiết lập hẳn một mối tình lấp chỗ trống trong thời gian Sâm ở nhà ôn thi đại học lần hai. Chính vì thế em mới yên tâm mà bước vào mối tình đầu. Em yêu Sâm trong nỗi ngờ vực chính mình. Liệu có phải người đàn ông đầy mê dụ như khu rừng nguyên sinh hay bí ẩn như đại dương mênh mông mà mình hằng tưởng tượng và mong chờ đây không?

Sâm đưa em về quê. Ngồi vẹo sườn trên gióng ngang chiếc xe “cuốc” Tiệp khoảng hai tiếng thì tới nhà. Hai cẳng chân tê cứng phản chủ khiến em lăn uỵch ra đất. Con em út có vẻ hài lòng khi thấy chú chó già không gầm gừ cảnh giác với em: “Bọn chó nhạy cảm lắm chị ạ, đến nhà không hợp mặt chó là không sống được với người đâu. Bà em bảo thế.”

Qua một bữa cơm mẹ Sâm mê em ngay, vì em biết đun bằng bếp rạ mà thức ăn không hề bị oi khói. Sâm dẫn em ra giữa cánh đồng, say sưa hồi tưởng những ngày thơ ấu chân trần lội ruộng, rồi thiết tha: “Sau này em sẽ về nằm yên nghỉ ở cánh đồng quê anh, mãi mãi.” Em thót tim. Tuổi hai mươi chưa hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của niềm mong ước bên nhau trọn đời theo kiểu đó.

Tình yêu lên hai, Sâm bước vào năm cuối đời sinh viên. Em cũng năm thứ ba. Sâm sẽ ra trường, đi làm ở một tờ báo nào đó, nhỏ thôi cũng được nhưng có thu nhập ổn định. Bao nhiêu người cũng đang chạy đua về cái đích ổn định đó thôi.

Mong ước thế, nên em cũng chẳng tiếc sức mình ngồi thâu đêm tìm kiếm tư liệu cho những bài viết đầu đời của Sâm. Bản thảo phải viết tay, có lúc lười, Sâm để em làm luôn việc sửa chữa và chép lại sạch sẽ rồi gửi đi. Bài in ra, hai đứa vui như trẻ con được quà tết

Vài lần như thế, em nhận ra những vết lỗ chỗ kiến thức mà nếu không kịp thời bổ sung, Sâm sẽ không thể trụ vững với cái nghề khắc nghiệt này. Em đôn đáo tìm tất cả những gì được coi là công cụ nghề nghiệp. Không khác gì một bà mẹ hiếm hoi trang bị kỹ năng sống cho đứa con cầu tự trước nghi lễ trưởng thành. Em cũng đủ tinh tế để giấu đi sự mệt mỏi của mình, tự vỗ về rằng đại ngàn nào chả bắt đầu từ những mầm xanh non bé nhỏ, rằng nếu đừng quá khát khao vươn ra biển lớn thì dòng sông quê cũng đủ cho cả một đời vùng vẫy.

Giáng sinh. Sâm đón em ở cổng trường. Chiếc Win Tàu hầm hố còn nguyên vết bùn sau chặng đường xa và mưa lạnh. Em líu lo: “Anh về đúng lúc quá. Em có một vài tội lỗi…Nếu không sám hối em chết mất”. Sâm ngỡ ngàng: “Sao trùng hợp thế? Anh cũng đang cần thú nhận một chuyện” Em để Sâm nói trước. “Cô bé ấy rất cần anh, cả trong công việc và tình cảm. Em là người bản lĩnh còn Thanh lại ngờ nghệch yếu đuối vô cùng. Trước cô ấy, anh mới thấy mình thực sự đàn ông…” Ngày Sâm quyết định đầu quân cho một tờ báo tỉnh xa em đã mang cảm giác của một người mất trắng, nhưng không hình dung nổi lại trớ trêu đến thế. Giành lại người đàn ông này là điều hoàn toàn nằm trong khả năng nhưng em lại chỉ cười nhạt, lắc đầu bỏ đi.

Khuyên chủ động đến tìm em, không phải để đồng điệu hay hả hê. Hai đứa im lặng trong góc quán đã từng lần lượt ngồi với Sâm. Ngồi gần nhau em nhận thấy bàn tay Khuyên mỏng và trắng xanh, giọng nói lúc nào cũng như sắp khóc. Yếu ớt và nhẹ dạ như Khuyên còn không níu giữ được anh, nữa là em.

“Anh muốn gặp em. Năm năm rồi…” Hẹn gặp ở một quán cà phê lạ hoắc, em đến đã thấy những đầu mẩu thuốc lá vun đầy chiếc gạt tàn thuỷ tinh, ba ly nước cạn trơ chỉ còn xác chanh muối. “Em nói 7h, anh không kịp hỏi lại có phải 19h không nên xuống đây từ sáng...”

Em ngồi vào ghế đối diện, bình thản giao hẹn: “Không hoài niệm, không than thở chuyện gia đình, không hỏi han cuộc sống riêng hiện tại. OK?” Sâm yếu ớt cười: “Em ác lắm...” Sâm cố tình đi vào những con đường, những góc phố run rẩy giữa mùa đông cũ. Em lặng thinh phía sau. Xe lao thẳng vào khách sạn ven đường. Em lạnh tanh. Ngay cả khi Sâm đổ ập vào với đống phức hợp cảm xúc. Rồi gục đầu bất lực: “Nguyền rủa anh đi. Đừng trừng phạt bằng cách này.”


Mối tình đầu - Bắt đầu từ một câu nói đùa...

Em đi thực tế viết loạt phóng sự về cải cách giáo dục. Không bất ngờ khi chạm mặt nhau ngay cổng trường cấp 3 huyện miền núi, Sâm đã là trưởng ban thời sự của báo tỉnh. Ba ngày sau có một cuộc gọi, nửa hẹn nửa mời: “Về qua thị xã ghé vào thăm văn phòng anh cho biết phóng viên tỉnh lẻ sống chết thế nào”. Sau này nhớ lại em mới thấy mình ác thật. Cứ ngồi vắt chân nhí nhách cắn hạt dưa, không thèm biết người bên cạnh bứt rứt nhìn đồng hồ, ngó ngược ngó xuôi và chỉ dám thở mạnh khi thấy tuyến xe buýt BG – HN trờ đến.

Bến xe nằm cùng trục đường chạy ngang cơ quan vợ Sâm, người thị xã biết nhau gần hết, lỡ có ai nhìn thấy...Mà Thanh lại yếu đuối, dễ tổn thương đến mức nửa đêm đùng đùng gọi điện cho mẹ chồng, lu loa khóc đòi tự vẫn chỉ vì một cái tin chưa kịp xóa: “lai nho em roi”. Phải mất cả tuần dỗ dành, giải thích mới chấp nhận cách “giải mật” của chồng, rằng đó là tin nhắn vắn tắt cho một cộng tác viên “lại phải nhờ đến em rồi”.

Một chút thôi, cơn áy náy lại trôi qua ngay, nếu có bề gì chắc Sâm sẽ tìm được lý do đủ sức thuyết phục vợ, cô ấy (hay cũng có thể là “con ấy”) đang làm báo trung ương, phải tận dụng quan hệ cầu nối để tìm cách bật về xuôi chứ, không lẽ cả đời ru rú trên cái xó núi này ư!

2giờ sáng số máy của Sâm ngắt đôi giấc ngủ. Giọng nữ. Em tỉnh ngay: “Thanh à?” Cuộc thoại hơn một tiếng. Người nói ấm ức nhắc đến người thứ ba, nhằm ca ngợi người nghe. Tin nhắn của Khuyên đầy ứ trong hộp thư đến, rặt những nhờ vả, không tiền nong thì cũng xin xỏ chạy chọt chỗ này chỗ nọ.

Không “quân tử” như em, Khuyên cứ mang món nợ tình đầu ra tính lãi ngày. Em hơi sốt ruột: “Tối nay Sâm lại nhậu say à?” Đầu kia sững lại vài giây, lại trơn tru tiếp tục: “Mình rất muốn anh ấy sớm chuyển về dưới đó, được ở gần chăm sóc ông bà nội của bọn trẻ. Mẹ anh Sâm năm nay cũng yếu nhiều. Mỗi lần nhắc Nhung bà vẫn khóc”. Em chợt thấy trái tim mình nhẹ hẫng đi. Nếu làm vợ, em có đủ khôn ngoan mà tập hợp sức mạnh giúp chồng mình đạt mục đích không? Hay đêm đêm lại chỉ biết úp mặt xuống gối, âm thầm oán hận cái thứ bất tài vô dụng, sống kí sinh một đời bằng tờ hôn thú? Hay phũ phàng quẳng phắt cái nợ đời ấy đi cho nhẹ gánh để lao về phía ánh sáng và khát vọng?...

Chong mắt đến sáng em vẫn không đặt ra được giả thiết khả thi nào, hất chăn vùng dậy. Chủ nhật luôn nhiều nắng. Phải ra đường. Chỉ khi đi trên đường em mới nghĩ ra được giải pháp cho mọi vấn đề, cứ như tư duy chạy cùng tốc độ với bánh xe vậy. Vả lại, các lối rẽ bao giờ cũng bất ngờ tách ra từ một con đường nào đó. Cũng có lúc em đã chán ngấy thành phố này, muốn đi thật xa để ít nhất không phải dè dặt mỗi hơi thở.

Sâm chặn em ngay trước cửa tầng hầm gửi xe cơ quan, tay run run tờ giấy mỏng: “Em xem, quyết định chuyển anh về dưới này. Không ngờ nhanh thế.” Nét hớn hở thái quá của Sâm khiến em chùng lòng lại, không nỡ nói thẳng ra sự thật đằng sau cuộc điều chuyển nhân sự, dễ gì một phóng viên báo tỉnh mới về lại ngồi ngay ghế phó ban...

Anh đang được sử dụng làm bình phong che kín những toan tính mang danh nghĩa khác. Nỗi lo lắng mơ hồ thoảng lên. Sâm có ý thức được những thử thách sắp tới không? Con người ta luôn nghi ngờ cảm giác của người khác khi chính mình chưa trực tiếp trải nghiệm, kể cả sự ngạt thở. Sâm gọi em thành thói quen mỗi ngày, sau buổi trực báo, không quan tâm người ta đang phải làm gì vào lúc nửa đêm.

Có lần em đáp trả: “Còn bức xúc nào thì xả ra cho hết để khỏi văng tục trên giường. Mà nhớ xóa hết dấu vết đi, kể cả bộ đếm tin nhắn nhé. Em ghét bị oan lắm, nhất lại là oan tình...cũ” Sâm buồn buồn nhận định em ngày càng đáo để, nếu không hiền lành đi một chút để lấy chồng anh sẽ day dứt cả quãng đời còn lại. Em hạ giọng thật thấp: “Thật chứ? Anh sẽ dành hết những ngày còn lại không làm gì khác ngoài việc day dứt chứ?” Sâm rầu rĩ: “Sao em cứ ác với anh như thế!”. Và lại thức trắng một đêm, vì em hiểu Sâm không thể giải tỏa được sức ép công việc dồn đến từ nhiều phía, bên cạnh một người chỉ biết du dương điệp khúc anh phải kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn.

Dịch vụ chuyển phát nhanh đưa đến cho em cái phong bì dày cộp. Một tờ đơn tố cáo viết tay, nỗi căm tức dồn mạnh vào chữ ký ở góc phải trang giấy. Mấy tấm ảnh chụp chính diện, nghiêng phải nghiêng trái một gương mặt phụ nữ từng mảng xanh đỏ tím theo phong cách hóa trang lễ hội Halloween. Tội của em: quyến rũ đàn ông, gây tổn thất hạnh phúc gia đình người khác, làm người vợ vô tội bị chấn thương ở mức cần phải ra tòa... Nhung ơi, hiểu cho mình...Mấy dòng cuối được viết in hoa: Nếu không dừng cái trò gặp gỡ tâm sự lại, tất cả những bằng chứng kia sẽ được gửi đến người có thẩm quyền!

Em lật từng thứ xem lại thật cẩn thận một lần nữa, bỗng bật cười sằng sặc, cười rũ ra cho đến khi nước mắt nhòe nhoẹt cả đống giấy tờ. Sao phải kì công bày binh bố trận thế này cơ chứ? Nhưng có thể hạnh phúc là thứ luôn cần đấu tranh, giành giật, chiếm giữ. Hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ chịu ở lại, với một đứa chỉ cầu an như em?

Mấy hộp giấy đựng sách vở tài liệu được chằng băng dính kín bưng, đơn tình nguyện xin đi thường trú ở tỉnh miền núi kí sẵn trên bàn làm việc. “Ngay cả đến lúc này em vẫn thương cho anh. Nhưng không còn thấy lo lắng nữa, thật đấy!” Em nhấn ga, chiếc xe lao vút về phía trước. Có kịp vương lại khói đâu mà cay mắt, hả Sâm?