6 vụ tranh chấp chung cư đình đám năm 2011

Nhiều tòa nhà ở hai miền Nam Bắc như Keangnam, Golden Westlake, Quốc Cường Gia Lai 1... gặp rắc rối lớn trong năm 2011. Không tìm được tiếng nói chung, nhiều chủ đầu tư có nguy cơ hầu tòa.


Không chỉ tai tiếng về số người chết khi thi công và mắc hàng loạt sai phạm, tòa nhà Keangnam Landmark Tower (Phạm Hùng - Hà Nội) còn đình đám vì chuyện thu phí dịch vụ "khủng". Năm 2011, Keangnam có nguy cơ phải hầu tòa vì bị cư dân khởi kiện. Trong suốt 6 tháng, qua nhiều lần họp bàn, thậm chí đến mức cư dân giăng biểu ngữ, dán tờ rơi, tụ tập đông người phản đối mức phí dịch vụ thì chủ đầu tư mới hạ từ 21.000 đồng mỗi m2 xuống còn 17.130 đồng mỗi m2 (chưa bao gồm VAT) vào hồi tháng 7. Tuy nhiên, mức phí này vẫn chưa được cư dân chấp thuận.


                   Cư dân dán biểu ngữ phản đối chủ đầu tư.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chủ đầu tư Keangnam đơn phương hạn chế quyền sử dụng thang máy 370 hộ dân chưa đóng phí dịch vụ. Cư dân đã tràn vào văn phòng của Công ty TNHH Chestnut Vina, đơn vị quản lý tòa nhà cao nhất Việt Nam yêu cầu cấp lại thẻ thang máy và điện. Câu chuyện trở nên bi hài khi những cư dân bỏ hàng chục tỷ đồng sống trong căn hộ cao nhất Việt Nam lại không thể vào nhà bằng thang máy.

Chỉ đến khi công an xã, huyện, cảnh sát 113 can thiệp, chủ đầu tư mới chịu nhún, cam kết không chặn thang máy của cư dân. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về phí dịch vụ. Đầu tháng 12, cư dân đã chính thức có đơn tố cáo chủ đầu tư lên UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận với các hộ dân trong trường hợp muốn cung cấp dịch vụ gia tăng ngoài quyết định của thành phố. Sự việc chưa đi đến hồi kết song phía cư dân cho biết, nếu không tìm được tiếng nói chung, họ sẽ khởi kiện chủ đầu tư. Chủ đầu tư cũng cho biết sẵn sàng gặp cư dân tại tòa án.

Chỗ đỗ xe bạc tỷ của Golden Westlake

Việc chủ đầu tư tòa nhà Golden Westlake (Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội) đưa ra hình thức thuê bãi đỗ xe trả tiền ngắn hạn, và đóng một lần trong thời hạn 38 năm làm nhiều khách hàng bức xúc. Nếu tính theo tháng, khách hàng sẽ phải đóng 1 triệu đồng. Trường hợp thuê dài hạn, cư dân sẽ phải nộp khoảng 800 triệu đồng trong 38 năm.



Cư dân cho rằng tầng hầm là diện tích chung, còn chủ đầu tư khẳng định, đây là sở hữu riêng


Cư dân cho rằng, chủ đầu tư yêu cầu các cư dân không có tiền thuê dài hạn (chỉ thuê theo tháng) phải xuống đỗ tại tầng hầm B2, trong khi nơi này luôn luôn chật chội là điều bất hợp lý. Bởi theo tính toán, nếu đem số tiền 800 triệu gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm với lãi suất 14% mỗi năm thì cư dân sẽ nhận được 112 triệu đồng mỗi năm, tương đương với hơn 9 triệu đồng mỗi tháng. Điều này, theo cư dân, đồng nghĩa với chủ đầu tư đã thu siêu lợi nhuận với mức giá 9 triệu đồng một chỗ để xe mỗi tháng, một mức phí khủng nhất từ trước đến nay.

Trong khi người dân cho rằng, tầng hầm là bãi đỗ xe chung của cư dân và khách có quyền lực chọn hình thức thanh toán, thì phía chủ đầu tư khẳng định, diện tích kho tầng hầm là một trong những công trình tiện ích không phải diện tích chung mà thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing do đó, họ có quyền quyết định giá thuê. Đây không phải là lần đầu tiên, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân Golden Westlake nổ ra về tranh chấp diện tích chung riêng. Trước đó, phí đỗ xe của cư dân Golden Westlake được chủ đầu tư chấp nhận giảm từ 3 triệu đồng xuống còn một triệu đồng mỗi tháng.

Làng Việt kiều châu Âu bị tố áp lãi suất khủng

Hồi tháng 8, hơn 100 khách hàng đã gửi đơn tố cáo chủ đầu tư Làng Việt kiều châu Âu (Khu đô thị Mỗ Lao, phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội) là Công ty TSQ Việt Nam về việc bán nhà bằng USD và áp lãi suất khủng. Cư dân cho rằng, chủ đầu tư đã vi phạm Pháp lệnh ngoại hối khi sử dụng đôla làm đơn vị tham chiếu khiến khách hàng phải thiệt đơn thiệt kép khi tỷ giá biến động. Nhiều trường hợp bức xúc vì mua nhà từ năm 2008 vói giá 950 USD mỗi m2 tương đương với 17.816 đồng, nay tỷ giá đã lên tới gần 21.000 đồng. Chưa hết, khách còn tố TSQ đã ép khách hàng khi áp lãi suất phạm tiền nộp chậm tiến độ lên tới 24% một năm.



Chủ đầu tư và cư dân cùng thách nhau ra tòa.


Phản bác lại, chủ đầu tư TSQ cho hay, các nguyên vật liệu như cáp dự ứng lực, sắt thép, cửa thang máy, thậm chí cả thiết kế đều nhập khẩu, việc dùng tỷ giá để chống rủi ro có lợi cho cả khách hàng và chủ đầu tư. Về việc áp lãi suất phạt cao, chủ đầu tư giải thích, công ty đã phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 22-24% mỗi năm để đảm bảo dự án đúng tiến độ, cũng như chất lượng của dự án. Việc áp lãi suất trả chậm 24% một năm là thấp so với thực tế vì công ty phải chịu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% từ số tiền phạt lãi do chậm nộp tiền; thức tế công ty chỉ thu được 18%. Chưa hết, chủ đầu tư còn tuyên bố, bằng quyền hạn của mình, khách hàng có thể đưa sự việc ra các cơ quan chức năng và trên hết là ra tòa án để giải quyết.

Đây không phải là lần đầu tiên, việc niêm yết nhà bằng tiền đô trong giao dịch bất động sản khiến khách hàng bức xúc. Trước đó, hàng chục khách hàng có đơn khiếu nại chủ đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp Hattoco (Mỗ Lao - Hà Đông) vì bất ngờ quy đổi giá nhà trong hợp đồng mua bán từ tiền Việt sang USD khi giá ngoại tệ này đang leo thang. Chỉ đến khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, Hattoco mới chịu nhún.

Chung cư 584 Tân Kiên bất ngờ biến thành bệnh viện 

Hàng chục người đã đóng 80-90% tiền mua nhà ở dự án 584 Tân Kiên A (huyện Bình Chánh, TP HCM) bàng hoàng hay tin chung cư sắp chuyển đổi thành bệnh viện. Ngày 30/8, nhiều khách hàng đã gửi thư đi khắp nơi và bày tỏ nỗi thất vọng khi hay tin căn nhà mơ ước mà mình tích cóp tiền mua bấy lâu sẽ không được bàn giao. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (Công ty 584) làm chủ đầu tư gồm 1.000 căn hộ. Giá bán ban đầu của dự án này trung bình 6-7 triệu đồng mỗi m2.



Vụ tranh chấp phát sinh từ việc chủ đầu tư được thành phố chấp thuận đề nghị chuyển công năng chung cư thành bệnh viện. 


Vụ tranh chấp phát sinh từ việc chủ đầu tư được thành phố chấp thuận đề nghị chuyển công năng chung cư thành bệnh viện. Hơn 40 khách hàng muốn nhận nhà ra điều kiện nếu không giao căn hộ chủ đầu tư phải bồi thường 16 triệu đồng mỗi m2. Doanh nghiệp định giá dự án tại thời điểm tháng 10/2011 là 12,5 triệu đồng mỗi m2. Cuối cùng do không thể đáp ứng được mức giá bồi thường 16 triệu đồng mỗi m2, chủ đầu tư quay trở lại công năng ban đầu của dự án là tiếp tục làm nhà chung cư.

Khu thương mại chung cư Khang Phú biến thành phòng khám nhi

Ngày 20/9, hàng trăm hộ dân chung cư Khang Phú (quận Tân Phú, TP HCM) đã họp mặt để phản đối việc chủ đầu tư cho một đơn vị thuê phần diện tích thương mại, mở phòng khám khoa nhi. Người dân lo lắng việc lập phòng khám không đúng với chức năng của tòa nhà sẽ khiến cho khu vực này bị ô nhiễm nên đã gửi đơn phản ánh, khiếu nại khắp nơi. Trên thực tế, phần diện tích khu thương mại này cũng đang bị tranh chấp trong một thời gian dài. Cư dân cho rằng khu thương mại là tài sản chung nhưng chủ đầu tư khẳng định đây là sở hữu riêng của doanh nghiệp.



Khu thương mại chung cư Khang Phú biến thành phòng khám nhi


Bị cư dân phản đối tuy nhiên chủ đầu tư vẫn không thay đổi ý định và đến nay vụ tranh chấp này đến nay vẫn chưa có hồi kết. Chung cư Khang Phú do Công ty Khang Gia làm chủ đầu tư, bàn giao nhà từ đầu năm 2008. Tòa nhà có 246 hộ cư ngụ với khoảng 1.000 dân.

Chủ đầu tư chung cư Quốc Cường 1 và khách mua đưa nhau ra tòa 
 
Bị giao nhà chậm hơn một năm nhưng chưa nhận được tiền bồi thường, cộng thêm bức xúc về chất lượng căn hộ, hàng chục khách hàng chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 (quận 7, TP HCM) đã làm thủ tục kiện chủ đầu tư.



Chủ đầu tư chung cư Quốc Cường 1 bất đồng với khách.

Theo đó, số tiền phạt chậm giao nhà tính đúng phải là hàng trăm triệu đồng nhưng chủ đầu tư chỉ chấp nhận hỗ trợ vài chục triệu đồng. Ngoài ra, cư dân Quốc Cường Gia Lai 1 còn tỏ ý không hài lòng khi theo cam kết phòng ngủ được lát gỗ xoan đào, nhưng được thay bằng gỗ công nghiệp; phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh được lát đá granit, nhưng thực tế phòng khách được lát bằng gạch men thường, nhà vệ sinh lát gạch thô...

Để giải quyết tranh chấp này, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH đầu tư phát triển nhà Quốc Cường (Công ty con của Quốc Cường Gia Lai) đã nhận trách nhiệm thay thế thiết bị trong căn hộ. Doanh nghiệp thỏa thuận lãi phạt 8%, song hơn 20 khách hàng yêu cầu bồi thường 90% giá trị lãi phạt và quyết khởi kiện. Cuối cùng chủ đầu tư cũng cho hay sẵn sàng hầu tòa.