Cúng sao giải hạn đầu năm

Phần 1 : Cúng sao giải hạn dựa trên cơ sở nào ?

Việc cúng sao giải hạn, cầu yên được xem như một tín ngưỡng giải tỏa tâm lý, cầu mong một năm mới an lành của nhiều người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cúng sao giải hạn đầu năm không có lý luận chặt chẽ về khoa học. Các lễ này đều dựa vào lòng tin của mỗi cá nhân, chứ không có tư duy khoa học.

Theo thượng tọa Thích Thanh Dương, chùa Quán Sứ, lễ dâng sao, giải hạn, cầu yên, cầu an hay cầu phúc lộc thọ đầu năm đều là các từ đồng nghĩa với nhau. Khi làm các lễ này con người sẽ cảm thấy thân và tâm an ổn để làm việc, học hành từ đầu năm.

"Lễ cầu an giải hạn đầu năm là một phong tục tín ngưỡng xưa của dân tộc ta. Việc nhà chùa làm lễ đều dựa trên thực tế đời sống nhân dân còn nhiều trắc trở, khó khăn, bức xúc mà không phải dùng tiền bạc để giải quyết được hết", thượng tọa Thích Thanh Dương giải thích.




 


"Các lễ cúng sao giải hạn đều tạo cho con người niềm tin, từ đó tiếp thêm sức mạnh về tinh thần. Điều này cũng rất quan trọng, bởi tinh thần vững mạnh sẽ giúp con người vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, sự trợ lực tức sự nỗ lực của bản thân mỗi người vẫn là điều chính, còn sự cầu mong trời phật, sự giúp đỡ của bạn bè chỉ là thứ yếu".

Tạo nhân lành, giảm điều dữ

Theo hòa thượng Thích Thanh Từ, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, trong quyển "mê tín chánh tín" cho rằng lệ cúng sao hạn thật là lạc hậu, lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số. Nó là cái gì mà chúng ta phải cúng? Tục lệ của chùa quê cúng vào ngày mùng 9 tháng Giêng là cúng sao hội.



 


Cũng theo thầy Từ, thân tổng báo của chúng ta có lẫn lành với dữ, khi nhân lành đến thì hưởng quả lành, khi nhân dữ đến thì hưởng quả dữ, không thể chạy trốn được. Chỉ có tạo nhân lành nhiều, khi quả dữ đến sẽ nhẹ đi hay giảm bớt. Ví dụ, trước kia chúng ta đã làm khổ một người, vì lúc đó thiếu khả năng trả thù nên dường như thông qua.
 
Đến lúc nào đó, họ đủ điều kiện trả thù, nếu chúng ta không được nhiều người thương che chở thì quả đó sẽ đúng với nhân kia. Ngược lại, nếu chúng ta được quá nhiều người ủng hộ che chở, quả phải trả sẽ nhẹ hoặc giảm mất cũng có. Bởi thế, sợ quả khổ không gì hơn, chúng ta phải tạo nhân vui. Cúng sao giải hạn để cầu được an vui là phi lý. 

"Việc cúng sao giải hạn đầu năm không có lý luận chặt chẽ về khoa học. Các lễ này đều dựa vào lòng tin của mỗi cá nhân, chứ không có tư duy khoa học. Vì thế, mọi người cần tránh sự sa đà dẫn đến mê tín dị đoan".

GS.TSKH Hoàng Tuấn (Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông)


Phần 2 : Đi chùa, giải sao thế nào cho đúng


Đi chùa đầu năm và lễ cúng sao giải hạn là một tập tục tồn tại từ lâu và ngày càng phát triển tại Việt Nam. Mọi người, mọi nhà thi nhau cúng lễ dâng sao giải hạn để bớt các rủi ro, tai nạn khi gặp vận hạn sao xấu.

Vậy có đúng "sao" làm nên vận hạn con người? Giải sao có tránh được hạn, chăm đi chùa có thành "chính quả"… Nhân dịp đầu Xuân, PV KH&ĐS đã có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội), Thư ký văn phòng 1, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam xung quanh vấn đề này.

 


Đại đức Thích Thanh Huân


Đắc quả do cách sống mỗi ngày


Thưa Đại đức, đầu năm du lịch lễ chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nhưng hoàn toàn lại không phải là những ngày trọng đại của Phật giáo?

Phong tục của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc mỗi năm theo chu kỳ đều có những kỷ niệm thiêng liêng. Ở Việt Nam, tiết xuân là thời điểm thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nên người ta nghĩ nhiều đến việc thờ cúng tổ tiên, đi lễ chùa, phần lớn là để cầu an, cầu lộc... số ít đến đây để tìm chút thư thái cho tâm hồn, thắp nén nhang thơm thể hiện tấm lòng thành kính tới đức linh thiêng, tổ tiên, dòng tộc.
 
Phật Giáo coi tiết xuân bắt đầu từ 23 Tháng chạp và lấy một số ngày trong tháng như: 1, 14, 15, 23, 29... là ngày chay tịnh, giáo dục phật tử sống thanh đạm để tu nhân hướng thiện.

Nhiều người quan niệm, muốn đắc đạo không những chỉ đi nhiều chùa mà một số chùa như Hương Tích, Yên Tử... phải đi đủ 5 - 7 năm liên tục mới được, điều đó có đúng không, thưa Đại đức?

Đó là sự suy diễn đồn đại trong dân gian không có cơ sở. Đi vãn cảnh chùa hành hương đầu năm trong tiết cảnh xuân thiêng liêng thuần khiết mục đích là hướng con người ta tới cảnh đẹp, cái đẹp, con người hòa quyện với thế giới thiên nhiên và gần gũi nhau, bỏ qua mọi điều xấu, sống hướng thiện, làm điều tốt để có nhân quả tốt.
 
Việc lễ cao, cỗ đầy, đi nhiều chùa... không giúp cho trả được nghiệp báo đã gây tạo nên mà việc đắc quả, hưởng phúc là do chúng ta thực hành hàng ngày trong cuộc sống: tu tâm dưỡng tính, tránh xa các việc xấu, tạo tội tạo nghiệp... sống thanh thản, an vui.
 
Do đó, có tâm Phật độ, có điều kiện thì lên chùa, đi chùa vãn cảnh, còn không thì gần đâu lễ đó, lễ tại gia sao cho có tâm là được. Việc bày biện cúng lễ, đi chùa để kêu cầu hưởng lộc nhưng không có tâm thì chỉ giúp làm bận rộn mà không giải quyết việc gì.

 

Lễ chùa đầu năm


Sao không chiếu mệnh, hạn bởi "nhân quả"


Không chỉ đi chùa đầu năm, các gia đình còn đến các chùa để làm lễ "dâng sao, giải hạn" cho gia đình để tránh tai ương trong cả năm. Thực tế, sao có "chiếu" vận tốt, vận xấu cho con người không, thưa Đại đức?

Căn cứ vào kinh sách của nhà Phật, theo lời Phật dạy thì không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho phật tử cả. Tuy vậy, văn hóa Phật giáo du nhập nền văn hóa phương Đông, chịu nhiều ảnh hưởng truyền thống tín ngưỡng dân gian đa thần, trong đó có cả nghi lễ cúng sao bắt nguồn từ Trung Quốc, được nhân dân tin dùng.
 
Trước đây, lễ cúng sao thường được làm trong dân nhưng đến thời Pháp thuộc, các nghi lễ bị cấm, nên người dân đến chùa để cúng. Trong Phật giáo có lễ cầu an, cầu phúc cho dân đầu năm nên các vị tu sĩ Phật giáo đã kết hợp, gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng mà tổ chức các buổi lễ theo đúng nghi thức thuần túy Phật giáo, để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác.

Điều đó có nghĩa là không có sao chiếu làm ảnh hưởng tới sự may rủi của mỗi con người trong một năm?

Sao chiếu mệnh liên quan đến thế giới quan của con người với thế giới xung quanh là môn khoa học huyền bí chưa được lý giải nhưng không phải không có căn cứ. Bởi con người là tiểu vũ trụ, chịu ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài, của bao la vũ trụ, không gian, thời gian... tức là chịu tác động của mối quan hệ giữa Thiên - Địa - Nhân. Người xưa đã có tổng kết, tính toán phân chia thời gian, không gian, vũ trụ, tinh tú... thành năm, thành vận, theo can chi, ngũ hành... và xác định được theo chu kỳ vận chuyển trong vũ trụ, bản mệnh mỗi người sẽ chịu ảnh hưởng của một vài sự kiện tốt hoặc xấu mà người xưa gọi là sao, hạn...

Theo một số sách Trung Quốc thì có 10 ngôi sao phát sáng trên trời là: Nhật Diệu, Nguyệt Diệu, Hỏa Diệu, Thủy Diệu, Mộc Diệu, Kim Diệu, Thổ Diệu, La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch. Các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo mười hai chi và ngũ hành và hàng năm mỗi tuổi âm lịch chịu ảnh hưởng của một vì sao gọi nôm na là sao chiếu mạng. Do đó, có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu và người ta tin rằng, việc cúng lễ sẽ giúp giảm được tai nạn khi gặp sao xấu.

Vậy có nghĩa là cúng sao sẽ tránh được cho con người các "tai ương"?

Con người có may, có rủi, có vận tốt và vận xấu. Tuy nhiên, không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa cả. Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên. Nếu như cúng sao, giải hết vận hạn thì sẽ không ai còn có hạn cả, thì còn đâu chuyện tai nạn giao thông... Các sao là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói về chúng. Phật chỉ dạy chúng ta về nhân quả, nghĩa là  các hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến.

Theo sự phân tích của Đại đức thì cúng sao không "giải quyết" được, vậy vì sao, các chùa vẫn tổ chức các nghi lễ này?

Luật nhân quả trong Đạo Phật đặc biệt chú trọng sự chuyển hóa từ cái xấu trong quá khứ để tốt lên bằng sự nỗ lực hướng tới sự tốt đẹp, đặc biệt là tính tích cực về tinh thần, niềm tin mong mỏi sự chuyển hóa để phấn đấu đến sự tốt đẹp. Phật giáo hướng con người trở về nội tâm của mình, ăn năn sám hối lỗi lầm (mặc dù lỗi lầm có khi mình không biết) giúp con người hướng tới điều thiện tích cực hơn.
 
Nghi lễ nói chung và cúng sao nói riêng mục đích chính là hướng niềm tin của phật tử, nhắc nhở phật tử và trợ giúp tinh thần cho phật tử trong cuộc sống hiện tại, ngăn ngừa con người làm điều xấu. Khi có niềm tin, hiệu quả nhất định sẽ giúp mỗi người tránh làm việc xấu, tránh được nghiệp và hậu quả xấu. Khi ta không làm điều xấu, chỉ làm điều thiện, mọi tai ương sẽ tránh được, điều tốt đẹp sẽ đến.
 

"Đối với sự cúng sao giải hạn, nếu chỉ mua sắm lễ vật, hình nhân thế mạng, vàng mã… lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu giùm thì nghịch lại lý Nhân quả. Thực tế các vị thầy không thể cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân… tha tội, giải hạn  sao xấu cho những người làm điều ác được. Việc cúng lễ nói chung và đầu năm nói riêng, lễ vật do tâm thành, hương hoa quả rồi thành tâm niệm Phật, cầu nguyện, hướng tâm nguyện của mình lên để Phật chứng giám. Vận hạn không tự có mà do chính bản thân mình. Vì vậy, để tránh vận hạn, tai nạn… cho cả năm thì nên làm điều phúc. Làm nhiều điều phúc, mới cầu được bình an. Tuyệt đối không nên đốt vàng mã, nếu muốn "báo đáp" thì bằng tiền thật, đồ thật, sau đó để con cháu hưởng lộc hoặc ra tay cứu giúp người nghèo khó. Đặc biệt, để tránh vận hạn, bản thân và gia đình…cần làm nhiều điều tốt, cư xử tốt trong gia đình cũng như ngoài xã hội…".

Đại đức Thích Thanh Huân

Xin cảm ơn Đại đức!


Phần 3 :  Nhà Phật không có nghi lễ cúng sao giải hạn


Cúng sao đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt nhưng chuyện sao xấu, sao tốt thì quan niệm mỗi người dân ở mỗi nơi và của Đức Phật lại không “đồng nhất”.

Chùa thị xô đẩy, chùa làng vắng hoe

Những ngày “đầu mùa” dâng sao giải hạn, dường như các ngôi chùa ở thành thị lúc nào cũng tấp nập, ồn ào và muôn kiểu lễ bái. Tận dụng những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người dân đã đổ xô lên chùa cầu an đồng thời xem bảng tính sao chiếu mệnh và đăng ký dâng sao giải hạn đầu năm mới.



Tại các chùa lớn thì chen nhau tại bàn ghi danh cúng sao


Thực tế là trong khuôn viên của nhiều nhà chùa đã bố trí nhiều bàn phục vụ đăng ký dâng sao, niêm yết bảng sao xấu cần phải giải hạn, “công khai” lịch dâng sao cụ thể cũng như mức chi phí cần đóng góp.

Lượng người đến đăng ký lên hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người như ở chùa Phúc Khánh, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ... gây nên cảnh tắc nghẽn giao thông quanh khu vực các chùa, phủ ấy. Nhiều người dân sợ “hết chỗ” đã đăng ký giải hạn từ trước Tết.

Ngược với chùa ở trong nội thành thì các ngôi chùa ở làng quê vào “mùa” giải hạn vẫn yên ắng, không ồn ào, náo nhiệt. Thi thoảng có vài người dân ở làng hoặc khách thập phương đến vãng cảnh chùa và lễ bái trước cửa Tam Bảo.

Đến chùa Sủi (huyện Gia Lâm), chùa Sùng Khánh (quận Long Biên), chùa Đức Diễn (huyện Từ Liêm) vào những ngày dâng sao giải hạn, bàn đăng ký giải sao vẫn vắng hoe, những người ngồi ghi sao khá rảnh rỗi vì cả ngày chỉ lác đác vài người đến đăng ký.

Theo thông lệ thì vào ngày mùng 8 Tết là khóa lễ giải sao xấu La Hầu nhưng cũng chỉ có vài chục người dân chủ yếu vẫn là những người sống gần chùa làng đến đăng ký giải sao.

Bất kỳ ai cũng có thể hiểu Phật ở chùa nào cũng là hiện thân của đức Phật!.

Đức Phật... không vẽ ra “sao”

Theo lời Phật dạy trong Pháp Tứ Y: “Y cứ theo kinh liễu nghĩa, chẳng y cứ theo kinh không liễu nghĩa” thì không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cả.



Trong khi bàn đăng ký dâng sao giải hạn ở chùa Sủi (huyện Gia Lâm) vắng hoe.


Tuy vậy, vẫn có một số ít chùa, nơi người dân chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian, thì các vị tu sĩ Phật giáo cũng đành phải (gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng) tổ chức các khóa lễ để cầu an, lấy niềm tin là chính.

Tại những khóa lễ này bên cạnh những nghi thức thuần túy Phật giáo, mục tiêu cũng vẫn là dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.

Bảy ngôi sao, chín ngôi sao hay mười ngôi sao là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói về chúng. Ngài dạy chúng ta về nhân quả. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến.

Tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành.

Nhà Phật có câu: “Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”.

Đối với Phật giáo, không có ngày nào xấu, không có ngày nào tốt mà cũng không có sao hạn, sao tốt. Chính vì vậy ngày tốt, ngày xấu, sao xấu, sao tốt là không có cơ sở, chỉ do con người bày ra mà thôi.

Theo cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ, trong sách của đạo Phật không có nói về việc cúng sao giải hạn. Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình: “Trong chân lý nhà Phật không có việc giải hạn các sao. Người ta gọi như vậy thì nhà chùa tôn trọng, không ảnh hưởng gì cả. Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Ở tòa Tam Bảo, nhà chùa làm hoa quả, hoa nghi cúng Phật, có cái gì thì dâng lên chứ không có nghi thức gì khác cả. Từ giải sao là cho dễ hiểu chứ không có lễ giải sao nào cả”.



Phần 4 :  Cúng sao giải hạn bản chất chỉ là... cầu an

Hàng nghìn người dân đang lên chùa cúng sao giải hạn nhưng ít ai biết được ý nghĩa chính xác của việc dâng sao giải hạn chỉ là... cầu an.



Thượng tọa Thích Tâm Thuần: "Tất cả đều do luật nhân quả"


Phóng viên có cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Tâm Thuần - Ủy viên ban hoằng pháp Thành Hội Phật giáo Hà Nội, trụ trì Thiền viện Sùng Phúc (quận Long Biên) xung quanh vấn đề dâng sao giải hạn.

Đầu năm có rất nhiều người dân đổ xô lên chùa giải sao xấu, vậy sao xấu trong đạo Phật được quan niệm như thế nào thưa Thượng tọa?

Cúng sao, giải hạn đầu năm là 1 tập tục tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam. Theo lời Phật dạy thì không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho phật tử cả.

Tất cả đều do luật nhân quả. Chúng ta gieo nhân nào thì gặp quả đấy, chứ không có sao xấu, sao tốt cũng như nghi lễ cúng sao giải hạn.

Vậy thưa thầy tại sao vẫn có nhiều chùa thực hiện nghi lễ cúng sao cho người dân?

Luật nhân quả của đạo Phật đặc biệt chú trọng sự chuyển hóa từ cái xấu trong quá khứ để tốt lên bằng sự nỗ lực bản thân. Vì thế nhiều chùa vẫn thực hiện việc cúng sao chỉ để cầu an và với mục đích chính là hướng niềm tin vào Phật tử, nhắc nhở và trợ giúp tinh thần cho họ trong cuộc sống hiện tại.

Khi có niềm tin thì nhất định sẽ giúp mỗi người tránh làm việc xấu, tránh được nghiệp xấu. Hơn nữa, nhà chùa cũng muốn người dân hiểu được Phật giáo hướng con người trở về nội tâm của mình, ăn năn sám hối giúp con người hướng tới điều thiện.

Nhiều người nghĩ lên chùa cúng sao sẽ giải được giải hạn nhưng như Thượng tọa vừa khẳng định đây chỉ là lễ cầu an, vậy xin Thượng tọa lý giải rõ hơn?

Đa số Phật tử biết sâu về luật nhân quả của đạo Phật thì sẽ hiểu được việc cúng sao không thể vượt qua được chướng nghiệp của mình. Tinh thần nhà Phật chỉ hướng Phật tử cầu bình an, cầu nguyện và hồi hướng.



Quang cảnh một buổi Lễ cầu an trong chùa


Các Chư Tôn thiền đức luôn nhắc nhở và trong sách Tấn tinh thần cúng sao cũng có nói về những oan khiên nghiệp báo “khởi lòng từ bi ở đâu thì nơi đó giải trừ được oan khiên nghiệp báo”.

Trong kinh Lương hoàng sám có nhắc “từ bi, đạo tràng, sám pháp”. Vì vậy, các Phật tử lễ Phật cần hướng tâm đến với đức từ bi, hỷ xả để soi lòng mình trong sáng, hướng thiện.

Lại có chuyện việc cầu an (cúng sao giải hạn) diễn ra ở khắp nơi nhưng “chùa thị chen lấn, chùa làng vắng hoe”, Thượng tọa nghĩ sao?

Theo tinh thần đạo Phật thì lễ cầu an là mọi người đến lễ Phật, hồi hướng để được thành tựu bình an. Còn hiện tượng cầu an ở các chùa khác nhau về mặt số lượng người tham dự là do nhân duyên với nhà chùa, do các Phật tử thường xuyên đến và gần gũi với chùa.

Hơn nữa còn do vị trí địa lý, chùa nào đông dân cư thì đông người đến tham dự, còn chùa nào hẻo lánh thì ít người đến. Chứ không phải chùa thị thiêng, chùa làng không thiêng.

Chuyện này là chuyện bình thường nhưng tất cả đều thành kính hướng về Tam Bảo, một lòng cầu nguyện và hồi hướng những điều tốt lành.

Thiền viện Sùng Phúc có làm lễ cúng sao giải hạn không thưa thầy?

Thiền viện Sùng Phúc không thực hiện nghi lễ này.

Vậy xin Thượng tọa chia sẻ những công việc đầu năm của Thiền viện Sùng Phúc?

Đầu năm, ngày rằm hoặc mùng 1 Tết, Thiền viện Sùng Phúc có lễ chúc phúc đầu năm, có ít lời chia sẻ với các Phật tử hiểu được nụ cười trọn vẹn của Đức Phật Di Lặc. Nụ cười có được khi chúng ta phát nguyện hạnh lành.

Lễ cúng rằm tháng Giêng (Tết Thượng Nguyên) nhằm tinh thần lễ Phật, sám hối và phát nguyện vì không có quả nào là không do từ nhân mình gieo, tinh thần nhân quả được khẳng định trong tinh thần của đạo Phật chứ ko phải do cúng, cầu mà đạt được.

Chúng ta nên mở rộng tấm lòng hồi hướng, công đức cho mọi người thì sẽ đạt được hạnh lành. Để có nhiều an lạc và hạnh phúc, có nhiều bình an.

Xin cảm ơn Thượng tọa đã chia sẻ!


Phần 5 : Đi giải hạn không thể tránh được hạn

Nghiệp tức là tương lai của một con người có thể thay đổi do việc làm của mình. Mình làm điều thiện thì nghiệp của mình sẽ nhẹ đi, càng làm điều xấu nghiệp sẽ nặng lên....


Tiếp tục làm rõ và giải thích về các hiện tượng bói toán, gieo quẻ, cúng lễ và giải hạn giải sao.... Phóng viên đã tìm đến Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì Chùa Quán Sứ - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam  để có cuộc trao đổi:

Xem bói: Lãng phí tiền bạc mà dễ gây hại vào thân

- Việc người dân đi chùa nhưng lại thường hay xem bói, xem tướng liệu có đúng với tinh thần của Phật Giáo?

Việc đi chùa mà xem bói, xem tướng trong Phật Giáo là không hề có chuyện đó. Trong nhà chùa nguyên tắc không bao giờ có chuyện xem bói và chỉ có các ông thầy bên ngoài nhân dịp lễ hội mới tổ chức xem bói mà thôi.



Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì Chùa Quán Sứ - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam


Tôi cũng nghĩ rằng mọi người không nên xem bói. Bởi vì con người Phật đã dạy là có Nhân – Quả. Mình làm điều tốt sẽ gặt lấy điều tốt, làm điều xấu sẽ gặt phải điều xấu. Còn việc ông thầy bói phán sẽ chỉ làm ta phải suy nghĩ và gây hại vào bản thân.

Ví dụ như ông thầy bói phán ta phải kiêng cái này thì sẽ tránh được điều này, ta kiêng và tránh được thì ta nghĩ rằng ông ta nói cũng đúng, và nếu ta không may bị phải thì cũng suy nghĩ rằng ta không kiêng nên gặp phải nên ông thầy nói cũng vẫn đúng. Như vậy ta chỉ tốn tiền bạc cho ông thấy bói và vô hình tự tạo cho mình cái nhân-quả.

- Nhiều người dân hiểu luật nhân quả rằng mình đi chùa càng nhiều, dâng tiền lễ càng nhiều như vậy sẽ gặp được điều tốt, như vậy liệu có đúng không?

Hoàn toàn sai nếu hiểu như vậy. Nếu hiểu như vậy thì phải chăng người nào càng giàu có cung tiến lên chùa càng nhiều thì sẽ được sống mãi mà chả phải tu tâm tu đức gì hay sao!

Hãy hiểu rằng đến lễ chùa cần có cái tâm để tự cải thiện mình theo lời dạy của Phật là làm phúc, làm điều lành không làm điều ác. 1 đồng của người nghèo dâng lên chùa có thể bằng cả triệu đồng của người giàu chỉ cần người đó có tâm!

Thiên kinh vạn quyển của nhà Phật cũng chỉ dạy và khuyên con người có như vậy chứ không có chuyện dâng tiền lễ càng nhiều thì gặp càng nhiều điều tốt là hoàn toàn hiểu sai và trái ngược với luật Nhân Quả theo tinh thần của Đạo Phật.



Thầy bói ngày nay thường phán: Nên kiêng cái này để tránh được điều này!!?


Nghiệp là có thể đổi...

- Tuy có rất nhiều người biết là chuyện xem bói là mê tín, không đúng nhưng họ vẫn rất muốn xem, đơn giản có thể là vì tò mò. Thầy có lời khuyên gì cho họ?

Nghiệp tức là tương lai của một con người có thể thay đổi do việc làm của mình. Mình làm điều thiện thì nghiệp của mình sẽ nhẹ đi, càng làm điều xấu nghiệp sẽ nặng lên. Nghiệp có thể thay đổi hay không tất cả là do mình tự tạo nên mà thôi.

Vì vậy xem bói không mà không tự cố gắng tu tâm tích đức thì không thể làm được gì thậm chí tự khiến cho nghiệp của mình nặng lên.



Thầy bói phán tốt thì sẽ không cần phải làm gì ?


- Xin thầy cho ý kiến theo tinh thần Phật Giáo về việc đầu năm có nhiều nơi tổ chức cúng giải hạn giải sao?

Ở nhà chùa và nhiều nơi, có lễ đầu năm là lễ cầu bình an, cầu cho quốc thái dân an cầu gia đình hạnh phúc….là điều tốt và đúng trong đạo Phật bởi qua lễ cầu đó mục đích là để người đến lễ để nhớ lại những điều phật dạy, để mong

Còn lễ giải hạn giải sao là do các tục lệ thời xưa từ Trung Quốc, khi họ tính tuổi ra các sao hạn sao nhẹ để rồi mới có những lễ này. Rồi thời nay nhiều người theo các cách tính sao đó đến chùa nhờ các thầy trong chùa làm sớ để giải hạn. Nhưng nếu đúng như vậy thì hỏi các sao trên trời to bằng một hành tinh khi chiếu hoặc rơi xuống thì đúng là gặp nguy chứ làm sao mà giải được!

Vì vậy nên việc cúng sao giải hạn, giải sao vào mỗi tháng chỉ nên hiểu như một lễ cầu an để tự mình răn mình, tự tạo Nhân – Quả cho mình mà buổi lễ mỗi tháng như một dịp nhắc nhở mà thôi. Không nên hiểu việc đi giải hạn, giải sao sẽ có thể tránh được cái hạn, cái không may.

Tôi thấy nhiều người đến giải hạn giải sao mà dùng cả hình nhân thế mạng, rồi hóa gây ô nhiễm và lãng phí. Nếu làm như vậy mà tránh được thì ai cứ có tiền để mua những thứ đó mà đốt sẽ tránh được hết mà không cần phải tích đức hay sao?

Mọi người cũng nên quan niệm cái hạn, cái không may cũng là một điều hết sức tự nhiên của vạn vật, mọi thứ đều có một chu kì nhất định. Giống như con người sinh ra ai cũng có lúc khỏe, lúc yếu vì đó là thời vận. Nhưng vạn vật vẫn sẽ có nhân quả, chỉ cần chúng ta sống có ích không gây điều ác thì những lúc thời vận xấu sẽ không ảnh hưởng quá lớn.

- Xin cám ơn Thầy!