Tiếng chuông chiều ba mươi

Với người lớn tuổi, họ thường sống với quá khứ của mình. Dường như đó là một phần của cuộc sống họ, giống như những dấu khoanh tròn trong cây gỗ quý sau trăm năm chắt chiu trong lòng đất những hạt mưa thấm cùng với từng tia nắng mặt trời. Ông Dương cũng chẳng thoát khỏi cái ngoại lệ nhớ về đó, ông vẫn khao khát có một ngày chính tay ông sẽ làm ra một chiếc chuông đồng. Chiếc chuông đồng đó ghi dấu ấn của một người thợ đúc đồng. Người thợ đúc đồng có thể sẽ không còn ở trên thế gian này, ông ta sẽ trở thành tro bụi như quy luật của cuộc sống. Ông ta sẽ không còn bước chân nhẹ nhàng của mình giẫm lên những chiếc lá tre vàng uốn cong mình rụng xuống ở con kênh nhỏ vắt mình qua làng. Ông sẽ thôi cất tiếng ho sặc sụa nửa đêm về sáng hay lui cui nhóm lửa pha bình trà nóng đợi bình minh lên.

Làng của ngày hôm nay so với ngày ông Dương bắt đầu trở thành cậu thợ đúc đồng Phước Kiều đã có quá nhiều đổi thay. Cuộc sống có bao giờ dừng lại đâu mà đòi hỏi chúng vẹn toàn? Nhưng sự đổi thay đôi khi chỉ là sự mất mát, điều mất mát ấy lay nhẹ trái tim ông, rất khẽ, nó khẽ nhẹ đến độ chỉ có mình ông lắng nghe và thấu hiểu được. Giờ đây, mọi người chỉ thích mua những bức tượng nhỏ đã được hun khói để tạo ra một dáng vẻ cổ xưa. Người ta thích mua những chiếc chuông nhỏ, đánh lên kêu "rè rè" giống như tiếng kêu của một con dế bại trận. Chính vì sự sinh tồn mà cả làng đã đổ xô nhau mở cửa hàng, treo tòng teng những chiếc chiêng mua lại từ bao người đem tới bán. Sự tàn lụi của một nghề đẹp đẽ và từng hưng thịnh đang diễn ra trước ông Dương từng ngày một. Như ông chủ tiệm Hưng Thịnh hôm nọ ghé nhà chơi, nhón mắt nhìn vào "gia tài" của ông đang gìn giữ. Đó là khu lò đúc đồng ngày xưa. Khu lò đúc đồng vẫn còn giữ những chiếc khuôn đất sét để làm ra những bộ cồng chiêng, là khuôn gỗ với hoa văn trống đồng để đúc ra chiếc đại hồng chung cho chùa Từ Ái xa lắc tận Huế. Bộ đúc chuông ấy do thầy của ông, ông Kiến Ân, để lại cho ông sau khi hoàn tất chiếc chuông cho chùa Từ Ái.

Chủ tiệm Hưng Thịnh nói với ông:

Bác Dương ơi, bác có thể đúc giúp cho tiệm Hưng Thịnh một số đồ đồng không? Tay nghề như bác mà cứ để phí thì quả thật là điều không thể tưởng tượng nổi.

Ông Dương rót trà ra mời khách:

Ông muốn tôi đúc cho ông cái gì?

Những chiếc chuông nhỏ, những chiếc chuông cho người ta treo trong nhà làm kỷ niệm.

Ông Dương thở dài:

Chỉ là những chiếc chuông nhỏ thôi sao?

Ông Hưng Thịnh vung tay:

Khách du lịch chỉ thích mua loại chuông nhỏ, nhưng nếu những chiếc chuông đó do chính tay bác làm ra thì có thể bán giá cao hơn. Nếu cần, tôi sẽ đặt tiền trước cho bác? Bác cũng cần phải kiếm gạo để bỏ vô nồi nấu chứ!

Ông Dương trầm ngâm rồi nói:

Tôi già rồi, run tay. Nhưng tôi sẽ trả lời ông vào đầu tuần sau vậy.

Tiếng thở dài của ông Dương khi bước cao bước thấp về lại căn nhà của mình dường như đã biến thành những đám mây trộn vào trên bầu trời xanh biêng biếc kia. Ông vào trong phòng ngủ, mở lớp khăn phủ chiếc chuông đồng gia bảo ông vẫn còn cất lại sau khi không còn ai tìm đến đây đặt đúc chuông nữa mà ngắm nhìn. Quá khứ đang hiện lên trên từng hoa văn ở đó. Chiếc tay cầm là loại đồng đen với tượng hình mãng xà vương với đường nét hoa văn vô cùng sắc sảo. Chiếc chuông này do chính ông phụ với thầy Kiến Ân thức ròng rã một tuần lễ, trước khi nấu mẻ đồng đúc chuông. Thầy Kiến Ân nói: "Đừng bán nó đi. Bởi có lúc nó sẽ được treo lên giữa làng vọng vang". Bởi giống như quy luật cực kỳ lạ lùng của cuộc sống, nơi đây là làng đúc đồng, nhưng những chiếc chuông đồng được đúc ra đều đưa đi đến một nơi nào đó, không ai giữ lại sản phẩm cho mình. Sự còn lại là tiếng vọng khi gõ chuông thử đồng.

Ông Dương suy nghĩ ba ngày. Cuối cùng thì ông nhận lời ông Hưng Thịnh để đúc những chiếc chuông nhỏ, bởi ông không còn sự chọn lựa nào khác. Ông Hưng Thịnh cười rất vui:

Thợ đúc đồng thì miễn đúc ra sản phẩm là được bác ạ. Đồ thủ công nó vẫn có giá trị riêng của nó, chẳng có máy móc nào thế chỗ được đâu.

***

Ông Dương chẳng có một đứa con nào để kế nghiệp mình. Bởi cuộc sống của ông bao nhiêu năm nay vẫn lặng lẽ một mình. Đó có thể là cách chọn lựa giữa nghề và tình yêu. Thời son trẻ của mình, ông rung động trước vẻ đẹp của cô Ngần. Có lẽ vì có nước da trắng ngần nên cô gái ở vùng Điện Bàn này được đặt tên là Ngần. Ngần cũng yêu ông theo cách yêu thầm kín của một đóa hoa lài chỉ dám tỏa hương thơm khi chiều đã chậm xuống. Ngần là hàng xóm của ông, vẫn thường thích đứng nhìn những mẻ đồng chảy như vàng trong những chiếc bình đất nung. Lạ kỳ, chỉ có đất là chịu được nhiệt độ của lửa, ngọn lửa dù làm cho đồng chảy vẫn không làm cho những chiếc bình đất chảy theo. Ông Dương cũng giống như lửa, ông làm chảy tan hết tất cả những gì quanh mình, nhưng tìm mãi vẫn không có một lò đất nào để hứng ngọn lửa nóng bỏng trong lòng ông. Tuy nhiên, tình yêu trai gái và tình yêu ngọn lửa là hai điều khác nhau. Vọng xa xa ở Đà Nẵng, chỉ cần leo lên một chuyến xe đò, hơn một giờ đồng hồ là giáp mặt với thế giới khác. Ở nơi đó người ta không quan tâm tới mẻ đồng có màu sắc gì? Làm thế nào để tiếng chuông vang lên thánh thót? Cũng như câu chuyện về chiếc đại hồng chung lớn nhất đặt ở một ngôi chùa ở Huế khi được đánh ngân lên, người Phước Kiều ở cách xa gần 200 cây số, lại vướng bận đèo Hải Vân vẫn nghe được tiếng vọng về. Ông Dương có thể nghe được tiếng vọng về, còn Ngần thì lại chỉ nghe tiếng còi xe trên những con đường phố rộng Đà Nẵng, Ngần thèm được cắt lửng mái tóc dài như suối của mình giống như những cô gái khác. Ngần thèm ướp mình trong không khí lạnh của một quán bar nào đó, nhìn ra ô cửa kính ngay ngã tư đường. Chính vì vậy mà Ngần đã nói với ông Dương:

- Hay là anh đi Đà Nẵng với em đi. Ở đó tay nghề của anh có thể làm cho một xưởng cơ khí nào đó. Em sẽ mở một quán cà phê nhỏ.

Ông Dương ngần ngừ:

- Nhưng đó không phải là đất của chúng mình.

Ngần cười:

- Anh có thấy con Kiều, con Diễm, con Lan? Mấy đứa bạn em chỉ đi Đà Nẵng có vài năm mà đứa nào cũng giàu có. Anh không đi thì em cũng đi...

Cuộc tình chỉ mới chạm tay vào vòng eo nhỏ giữa đêm, tiếng những con chim ăn đêm nhốn nháo tìm chỗ trú ngụ qua đêm chẳng có một cuộc tiễn đưa trong buổi chia lìa. Thế là Ngần đi biệt, Ngần rời khỏi trái tim chàng trai đúc đồng mà không có một nụ hôn trao gởi. Rồi cũng có khi nao lòng, ông Dương đã ra giữa quốc lộ, ngắm nhìn những chiếc xe như con thoi qua lại trên đường. Ông tự nhủ sao mình không lên một chuyến xe đi tìm Ngần. Biết đâu ở chốn xa khơi đó, nơi xa lắc đó, Ngần cũng đợi ông tìm đến.

Rồi ông cũng đã leo lên một chuyến xe đi Đà Nẵng thật. Khi xe dừng lại ở bến xe, ông xách chiếc túi nhẹ tênh của mình loanh quanh đến mỏi chân, tìm những tiệm may (bởi ông nghe nói là Ngần đã mở một tiệm may ở đó). Nhưng rã chân giữa những con đường, Ngần của ông vẫn mù tăm, mù tịt. Ông đã lạc mất Ngần giữa trăm con đường chia ra trăm ngã. Ông cũng chẳng kịp nghĩ tới một chuyện hoang đường nào đó về sự linh cảm giữa suy nghĩ của con người để họ sẽ chợt gặp nhau trong dòng người xa lạ.

Ông Dương là hành khách đầu tiên của bến xe buổi sớm. Nhưng ông đến quá sớm mà chuyến xe đầu tiên vẫn chưa có khách, thế là ông dạt vào quán cà phê cóc trước bến xe, uống một ly cà phê cho tỉnh táo.

Họ đã gặp nhau giữa lúc tưởng như không thể nào gặp nhau nữa. Bà bán cà phê đem ra cho ông Dương ly cà phê thì ông nghe một tiếng nói rất quen từ bàn bên kia:

- Bà chủ, cho ly sữa nóng và một cà phê nóng.

Ngần đó, Ngần đang đi với một người đàn ông. Ánh sáng của ngọn đèn dầu trên bàn hắt soi gương mặt cô. Cô không nhìn về phía trước, bên kia bàn. Ông Dương nhìn Ngần như thể có thể chạy ào tới, nắm chặt đôi bàn tay nhỏ bé kia. Nhưng đôi tay đó đang nắm đôi tay của người khác. Mãi đến khi ông đứng dậy, trả tiền và bước vào trong sân bến xe, Ngần vẫn không biết rằng ông đã ngồi trước mặt cô giữa rạng sáng Đà Nẵng như thế.

***

Ông Hưng Thịnh đập cửa nhà ông Dương khi ông Dương sửa soạn đi ngủ. Ông Hưng Thịnh nói nhanh như gió:

- Có… có người đặt đúc một chiếc đại hồng chung.

Có người đặt đúc một chiếc đại hồng chung? Đúc đại hồng chung là điều ông Dương mơ ước mãi, ông mơ ước cho đến khi đôi tay ông đã bắt đầu run, mắt ông không còn nhận rõ. Ông im lặng nghe. Ông Hưng Thịnh nói:

- Một cô gái tới đặt hàng. Cô ta nói là phải chính tay ông đúc. Cô ta đã về Tam Kỳ, hẹn sáng mai đến sớm.

Cả đêm ông Dương không thể nào ngủ được. Ông đợi cuộc gặp sáng hôm sau. Ông đi ra sau khu lò đúc. Những đồ đồng ông đúc cho ông Hưng Thịnh đang xếp trên kệ như đang trêu ngươi ông: "Ông sắp được đúc đại hồng chung đó phải không?".

Theo yêu cầu của cô gái thì chiếc chuông sẽ rất lớn. Chiếc chuông phải dùng loại đồng tốt, có tiếng kêu thanh tao. Cô gái có nước da trắng và giọng nói Quảng Nam đặc sệt đến độ ông Dương phải buột miệng nói:

- Cháu là người Tam Kỳ?

- Dạ không. Cháu sinh ra ở Đà Nẵng, nhưng mẹ cháu quê ở Quảng Nam.

Ông Dương thở dài:

- À ra thế!

Vậy là đã sắp tết khi ông Dương đồng ý nhận đúc chiếc đại hồng chung. Ông phải hoàn tất chiếc chuông trước khi mùa xuân tới. Cô gái nói:

- Mẹ cháu hứa tặng chiếc chuông này cho một ngôi chùa. Nó sẽ được đánh lên đúng vào đêm giao thừa.

Khi bắt tay vào công việc, ông Dương mới thấy khi kiếm những loại đồng tốt không phải là điều dễ dàng gì. Chuyện kể những chiếc chuông trong khi đúc được mọi người thả vàng vào cho tiếng thanh tao không phải là không có. Nhưng giữa thời buổi này, loại đồng đặc biệt để đúc chuông lại là chuyện khó khăn.

Ngày đúc chuông cũng như là ngày hội. Ở Phước Kiều xưa kia, mỗi khi có một chiếc đại hồng chung được đúc thì cả làng tề tựu lại nổi lửa cho mẻ đồng. Cả đêm cả làng thức trắng. Giờ đây cả làng cũng thức trắng với chiếc đại hồng chung khởi đầu phục sinh cho nghề đồng.

Những mẻ đồng rót vào khuôn, rót mãi. Khi mẻ đồng cuối cùng rót vào thì trời cũng quá nửa đêm. Lửa trên lò tắt dần, chỉ còn một mình ông Dương bên tác phẩm của mình. Ông nằm trên chiếc ghế dựa rồi ngủ thiếp đi.

Trong giấc mơ ông Dương chợt mơ thấy một người, người đó tưởng rằng đã nhòa vào ký ức mênh mang của ông sau lần gặp ở Đà Nẵng. Đó là Ngần. Ngần bước vào bên ông thật nhẹ nhàng, trên tay là một chiếc khăn ướt. Ngần lau mặt cho ông:

- Anh thỏa nguyện rồi phải không anh Dương? Anh đã đúc được một chiếc đại hồng chung như anh mơ ước.

Ông Dương giật mình chồm dậy. Cô gái đang lau mặt cho ông. Cô nhoẻn miệng cười:

- Gương mặt bác đầy bụi. Cháu lau dùm, không ngờ làm bác tỉnh giấc.

Gương mặt cô gái ấy giống như Ngần.

***

Chiều ba mươi Tết, tiếng đại hồng chung ngân vang trên đỉnh núi cao. Ở một ngôi chùa có hai hàng cây phượng trồng che mát lối đi. Tiếng chuông thanh và trầm làm sao. Ông Dương lắng nghe tiếng chuông mà lòng cảm thấy như mùa xuân đang về với mình. Cô gái đặt đúc đại hồng chung giờ này ông vẫn chưa biết tên đã từ biệt ông. Cô phải về nhà cho kịp tết. Ông Dương nhìn cô gái thoăn thoắt bước xuống núi. Ông nhìn bước chân cô trộn trong tiếng chuông. Ông chợt thấy dáng đi của cô gái rất quen, quen lắm. Ông chạy theo. Khi đuổi kịp cô gái, ông nói trong hơi thở:

- Mẹ con tên Ngần phải không?

Cô gái ngước nhìn ông. Ông ôm chầm cô gái mà khóc. Chỉ có Ngần mới nghĩ đến chuyện đặt đúc một chiếc đại hồng chung, chỉ có Ngần.

Mặc cho tiếng chuông ngân trong chiều ba mươi, ông theo chân cô gái đi tìm quá khứ. Ông đi tìm và tin sẽ gặp - dẫu thời gian cho tiếng chuông ngân đã đằng đẵng 20 năm.