Nhan sắc dân gian

Có những cô gái nhan sắc như tia chớp trong đêm, tỏa một quầng ánh sáng kỳ lạ, rất khó phán đoán và nhận xét của mỗi người cũng rất khác nhau.


Cái phòng thực nghiệm phẫu thuật cổ điển và chẳng phải đề cao gì, nó có tầm quan trọng như là lưỡi dao mổ đầu tiên của ngành Y để cứu vớt con người này, nghe đâu từ xưa toàn đàn ông, lại là đàn ông "giọng nặng" quê ở xứ Nghệ và khu Năm. Chị Hạnh là cô gái áo trắng đầu tiên về đây từ hồi 18 tuổi.

Kể thêm còn có mấy người nữ như chị Mầu, cô Tấm... nhưng làm Y công, và cũng thoảng qua đây như một ngọn gió. Đáng nói sau chị Hạnh là đến Thị, vợ anh giáo Văn. Đó là hai thế hệ "nàng tiên áo trắng" đức hạnh. Nổi trội không phải là nhan sắc thậm chí không rõ là nữ giới nữa, mà là cái đức tính cần cù chuẩn mực trong mọi việc. Năm trước chị Hạnh đến tuổi hưu thì chỉ còn trơ lại vợ anh giáo Văn là nữ, như là “độc đinh” truyền kiếp. Một lần Thị xởi lởi: "Tìm thấy rồi. Được lắm. Cũng tuổi Mão!” Đến khi cao hứng Thị còn nói, rất cởi mở và sâu lắng:

- Nếu 24 tuổi em sinh con đầu lòng như mẹ sinh em, thì con em đúng với tuổi nó. Anh giáo Văn chỉ gật đầu và cười, chẳng hiểu ra làm sao cả.

Sau đó cô gái quê lụa Hà Tây đến chào các giáo sư bác sỹ để bộ môn "xem mặt". Anh giáo Văn thì được chào sau, ở trên nhà. Chưa có nhận xét gì, cảm tưởng ban đầu của mọi người là: "Được lắm!" như cách mấy cụ nhắm rượu. Cô gái tên Lâm xuất hiện, như một ngọn gió nam từ vùng quê lụa, từ Chùa Hương, thổi tới cái phòng phẫu thuật thâm u này. Thoảng lên quanh các bàn mổ mùi hương rừng, hương chùa trong cái mầu lụa mịn màng. Như thế cũng đủ gợi một chút nhan sắc thiếu nữ rồi.

Có vẻ gì như chiếc thoi lụa ở dáng, có sắc như giải lụa vàng và hương, vậy là tạm được. Anh bác sĩ ngành Y lớn tuổi quê Nghệ thì nói: "Có nét lạ, nhưng không đẹp". Anh bác sĩ Đà Nẵng thì nói ngược lại: "Không đẹp, chỉ có nét lạ". Anh bác sĩ trẻ người đồng hương Hà Tây thì chỉ cười tủm, mắt chớp beng beng và liếm môi. Anh giáo Văn chỉ cười khan. Rõ là nhan sắc nhân gian, ngay từ đầu đã đủ giọng nói. Đến khi phu nhân anh giáo tức là Thị lên tiếng, thì anh giáo biết là không nên cười nữa. Thị nói nhỏ, như tỉ tê tình ái: "Được cả thanh cả sắc". Lâu sau lại nói: "Lại chịu khó. Nết cũng được!".

Anh giáo Văn không cười, đưa mắt trầm ngâm nhìn những chùm đèn Pơ lát treo lơ lửng trong phòng mổ. Đó là những đèn mổ loại mới, vuông, sắc cạnh có ánh sáng mạnh. Đúng là cô bé Lâm và nhan sắc của cô như ánh đèn sáng mạnh ấy dọi vào đây. Đó là những chiếc đèn cao áp ngoài đường phố, trên các sân vận động, quảng trường, thu nhỏ lại.

Cô gái về đây, cái ánh sáng từ cô dọi cả vào các khoang phòng mổ, như đánh thức giấc ngủ trăm năm. Từng viên gạch mòn nhẵn máu và lông chó, từng cụm rong rêu ở bể nước, cả đàn chuột hoang nhiều năm tuổi, cả những chú cá bống vàng ai thả từ lâu vào bể nước to trong phòng mổ. . . cũng như bị tia đèn cao áp dọi vào.

Những chùm sáng nó hắt xuống đã lạ, mà những tia khúc xạ trên tường, trên trần nhà còn lạ lùng hơn. Những loại đèn khác không sánh được. Nó như xới tung như đánh thức, như lật ngược mọi thứ. Đến ngọn gió lạnh quanh năm thổi lên từ dòng nước buồn thiu cũng khác, như được ủ nóng lên. Nóng lên thì tiếng hú tiếng gào cũng khác. Cái phòng mổ lưu cữu này không còn vẻ hoang vắng xưa nữa, chị Hạnh không phải sợ ma sợ bóng đè như thời thiếu nữ nữa. Nhan sắc thiếu nữ đã đến. Nó đến thì khí dương tìm đến, ma quỉ phải biết đường mà lui đi. Chị Hạnh thấm thía nhất điều đó. Tiếc là đến tuổi hưu rồi, không được làm cùng cháu Lâm nữa.

Bé Lâm thì vẫn lẳng lặng làm hết mọi việc như cô Tấm thời hiện đại như cô dâu thảo hiền mới về nhà chồng. Lứa chị Hạnh và vợ anh giáo Văn xưa, cái khoản cần mẫn chỉn chu thì không ai bằng. Nhưng cái ánh sáng tỏa ra thì có phần hạn chế, chỉ như ngọn đèn mổ nhiều năm tuổi già nua, thậm chí có lúc như đèn dầu quạnh hiu.

Cô Lâm là ánh sáng loại đèn mổ mới, hiện đại, như những chùm đèn Pơ lát kia. Tia sáng rõ, mạnh. Tia phản quang mạnh và ma quái. Rõ là "mô đen" mới. Cô Lâm làm chuyên môn giỏi, đi xe máy cũng giỏi. Lại còn biết vi tính, biết tiếng Anh, văn nghệ, thể thao. Gia đình đâu mạn Hà Đông đi vào, qua làng Vác làm lồng chim, cứ đi phía chùa Hương, đến làng Ước Lễ nổi tiếng giò chả là tới.

Bố mẹ từng đi bộ đội, suốt thời trẻ có mặt ở Trường Sơn, bà nội 90 tuổi mắt vẫn sáng, hàng ngày vẫn khâu nón. Cô bé học được tính tình bà nội, chịu khó mọi việc. Sau kíp mổ súc vật để sinh viên thực tập đã vất vả lắm, cô còn ở lại làm lông chó để kiếm thêm chút tiền. Ở nhà tập thể tự cô dòng dây điện, bơm nước. Nghe đâu hồi ở nhà Lâm còn đi mua đá, rồi về đục đẽo làm mộ chí với cha, đi bán nón cùng mẹ. Ai bảo gì, khen điều gì, Lâm chỉ nói: "Cháu cám ơn". Điều gì cần nói thêm thì lại nói: "Cháu nghĩ rằng..." Mái tóc buông xuống như đuôi con chim én chim sẻ khi chực bay lên. Đôi mắt mở to ngỡ ngàng và ngay thẳng.

Đúng như anh giáo Văn dự đoán, cái nhan sắc thiếu nữ như ánh đèn cao áp ma quái vừa chiếu dọi vừa phân hóa. Trước là đàn bà, rồi sau lan ra tất cả. Trước bé Lâm, đàn bà ở đây bắt đầu phân hóa ra hai loại. Một số cô, bà ưng ý thì nhắm nhe: "Nó có ai chưa cô?". Một số thì bắt đầu dèm pha: "Nó thế nào ấy nhỉ. Đôi lúc như hề ấy"... Bác đại tá Xiềm một đời thiếu thốn tình cảm và vất vả, là chồng của cô Thiềm cũng làm ở đây bảo: "Thằng bé bên Công ty Hanen lấy được con bé thì tốt đấy. Nó không đẹp nhưng có nét lạ, lại khôn ngoan nữa".

Trong cái khu phòng mổ lưu cữu này thì cái ánh đèn Pơ lát ma quái chiếu gắt hơn. Đàn ông già trẻ cứ dáo dác như chuột ấy, trổ tài chăm lo và tôn vinh người đẹp. Chị Hạnh về hưu rồi, chỉ vợ anh giáo trụ lại. Thấy cảnh khác lạ do cái nhan sắc đời mới làm bùng ra, có lúc Thị gào lên: "Các bác, các anh còn phải để cho cháu nó lấy chồng chứ!". Đến như thằng đàn ông văn chương dặt dẹo như anh giáo, có lúc giữa bữa ăn Thị cũng nói, chẳng hiểu là đùa hay thật: "Lạ nhỉ, cánh đàn ông. Đến một người như anh mà cũng bị mê hoặc vì nó". Anh giáo Văn chỉ biết vừa cười vừa mếu.

Đến một hôm bé Lâm nói hồn nhiên:

- Mai là hội làng Giò chả Ước Lễ quê cháu. To lắm, vui lắm. Chú vào cháu chơi đi!

Lúc này anh giáo Văn mới trổ máu văn nhân. Văn nhân vốn ưa những chuyện ấy. Nói nhan sắc, tình dục, tiền tài, chức tước, là oan cho gã, cho giới gã. Đúng rồi, vào thăm quê cháu Lâm, thăm bà và bố mẹ cháu.

Chuyến đi hội chắc là thú vị lắm. Giò chả và nhan sắc? Giáo Văn muốn đi tìm cái điều mà ít ai ngờ tới. Sau hai chặng xe, cái làng đẹp Ước Lễ hiện ra. Nhà nào cũng có mâm giò chả cúng tổ tiên, mời khách. Ngày hội, khắp các tỉnh thành cả nước đều có mặt. Ngôi nhà bố mẹ Lâm thanh bạch, có người bà 90 tuổi ngồi khâu nón suốt ngày. Anh giáo Văn mắt sáng lên, như tìm thấy cái điều sâu thẳm của nhan sắc mà anh đang đi tìm. Văn chương là vậy, ất ơ, vô vọng nhưng say đắm.

Người bà quê lụa 90 tuổi nhưng mắt còn sáng, tay còn cầm kim khâu. Nét đẹp trăm năm tuổi dồn tụ lại. Bà ngừng tay khâu, ngẩng lên xa xôi, vừa cười móm mém vừa kể với anh giáo Văn:

Thuở bé tôi yếu ớt, bố mẹ cho ra làm con nuôi ngoài Hà Đông. Chỉ được nết chịu khó, tay chân chẳng làm nên việc gì. Nhưng người ta thương, nuôi cho đến tuổi thiếu nữ. Biết phận mỏng, sức yếu tôi xin ra ở cho một ông bà Tây ở khu Bách Thảo, Hà Nội. Ông bà Tây tốt lắm, thương người lắm, có 2 cô con gái, thêm tôi nữa là ba. Đến khi ông bà Tây về nước, tôi bơ vơ, chỉ có ít đức hạnh nhan sắc mong manh. Chốn kinh kỳ đô hội, tôi đi khắp. Suốt đời chỉ nhớ thương những người tốt đã cưu mang mình. Thương nhớ đến mức trời cứ bắt sống mãi, không nhắm được mắt ấy...

…Cái ánh sáng ngọn đèn mổ Pờlát ấy đánh động đến cả gia đình lớn của anh giáo Văn. Đại gia đình anh giáo cũng thâm u lưu cữu như cái phòng mổ kia. Vợ anh giáo thì như đã kể, anh giáo thì như đã kể. Bà chị gái của anh giáo có lẽ đang dị ứng nặng với dâu rể và các cô gái thời nay thế nào mà sau lần gặp sơ giao là phản ứng ngay, như một nửa đàn bà ở khu phòng mổ: "Con bé thế nào ấy nhỉ. Cứ như hề ấy". Lời lẽ y chang, ai cũng bảo là người ta mách nhau độc một câu như ma nói ấy.

Chỉ riêng bố anh giáo, tức cụ giáo Cố, cũng cỡ tuổi 90, đối với cô cháu gái Lâm thì khác. Bé Lâm đến với cụ giáo Cố, như là hạnh phúc trần gian ít ỏi cuối cùng đến với Cụ. Nói hình ảnh thì như ngọn gió nam buổi sáng bay qua ô cửa đến bên Cụ, như vuông lụa Cụ được cầm thuở thanh niên, như một làn điệu dân ca vừa xưa vừa nay mà cụ ưa nghe nơi cái đài nhỏ xíu...

Sau mỗi bận cháu Lâm đến thăm gương mặt xúc cảm đến lạnh lẽo khác thường, mắt trân trân nhìn lên đỉnh màn, như nhìn vào thời gian sâu thẳm… Anh giáo Văn lại chỉ cười. Cười thẳng vào cái nhan sắc thế gian. Cho đến một lần cụ giáo Cố mắt vẫn nhìn trân trân vào đỉnh màn như thế, lịm đi rất lâu, rồi cả hai bàn tay bất chợt đưa lên ôm lấy chỏm đầu, thì anh giáo hiểu và tin rằng chuyện này chỉ mình anh giáo hiểu. Ngày anh giáo còn bé tẹo duy nhất một lần cụ giáo Cố kể chuyện đời:

- Một hôm bà nội đi dệt về khuya, kéo cha vào góc nhà, dúi cho nắm cơm nguội, rồi gạt nước mắt và nói một điều hệ trọng lắm. Con ham học, giờ chỉ còn cách đi theo chú Điện. Mai chú Điện đưa các em ra tận Hà Đông học hành, con đi theo chú được không? Tối ấy cha lên, chú Điện nhà nho nghèo nổi tiếng khắp vùng đang nửa say, nửa tỉnh. Chú bảo về bảo mẹ gọt trọc đầu rồi đến gặp chú. Cha làm như vậy, dù chưa hiểu gì. Đến nơi chú Điện bảo nhắm mắt lại, rồi chú cầm hòn gạch đánh choang một cái lên đỉnh đầu cháu, rồi bảo mở mắt ra. Cha muốn ngất đi, nhưng không khóc. Ông "Điện điên" bảo: "Đời là vậy. Được, cho theo chú !". Những ngày phiêu dạt ở xứ lụa Hà Đông xa xôi từ đó.

Hàng ngày, cha giúp hai em con chú việc nhà để các em ôn bài thi vào một trường danh tiếng ở chốn kinh kỳ. Cha cũng được đi học. Các thầy cô giáo Tây thấy người đẹp, có chí, nết na thì thương lắm, coi như con đẻ. Hàng ngày cha còn có việc gánh hàng ra chợ Hà Đông cho Thanh là con gái của chú bán hàng. Hàng lụa, hàng vải, hàng xén. Ở chợ có những cô bé cùng tuổi thương cha lắm. Thiếu nữ Hà Đông cảm thương chàng trai xứ Nghệ trọ trẹ nhưng sáng dạ. Một lần vui chuyện thế nào mà về chậm, o Thanh đang nấu canh, bực quá, tay cầm cái muôi lớn gõ mạnh lên đầu cha. Máu ra tung tóe. Cha ngất đi. Chỉ lần ấy cha ngất đi. Đến nỗi hai con chú thương quá, kêu lên: "Chị Thanh giết chết anh Cung rồi. Trời đất ơi".

Tiếng gọi trời đất ơi váng động đến tất cả, váng động đến những làng dệt, đến tâm hồn những thiếu nữ Hà Đông thuở ấy trinh trắng và giàu thương cảm như những vuông lụa kia. Chỉ một lần ấy, chắc chàng trai bị trừng phạt cũng chỉ vì sự rung cảm đầu tiên về nhan sắc. Điều gì đã xảy ra nơi đó, và sau đó, có trời mà biết được. Cả điều gì có thể nhân duyên trùng hợp, giữa người này và người kia. Và vì sao cụ giáo Cố lại thương cảm, quí trọng cô cháu gái Lâm đến như vậy.

Chuyện nhan sắc và cảm thương giữa nhân gian có trời mà biết được. Anh giáo Văn dặt dẹo thế nào lại trở chứng làm Thơ. Anh lượm trang giấy dùng cho việc phẫu thuật, ghi vội bài thơ có tựa đề là Nhan sắc. Bài thơ sắc cạnh ra phết:

Anh sống bằng tâm hồn và nhan sắc của em

Đến lúc chết, anh giả em nhan sắc

Rồi anh sẽ vừa đi vừa khóc

Hỏi cõi đời nhan sắc của em đâu?