Giải mã về Tứ hành xung

Nhiều cặp nam nữ khốn khổ vì yêu nhau nhưng gia đình không đồng ý vì lý do khắc tuổi. Nhiều người mất việc cũng chỉ vì xung với tuổi của sếp… Vậy sự thực có đúng khắc tuổi dễ đứt gánh giữa đường hoặc hợp tác làm ăn với nhau khó thành công?


Phần 1 : Tìm hiểu về Tương sinh - Tương khắc :

Khổ vì xung - khắc

Chị Nguyễn Thị Hoài (Việt Trì, Phú Thọ) khổ sở vì tình yêu với anh Hùng đã 5 năm nhưng gia đình nhà chồng nhất định không cho cưới. Nguyên do chị tuổi Mão - anh lại tuổi Tỵ. Mẹ anh đi xem thấy nói tuổi xung, nếu cưới anh sẽ "ra đi" sớm nên nhất định không đồng ý, thậm chí bà còn đưa ra cả dẫn chứng bà tuổi hổ, chồng bà tuổi lợn vì không nghe thầy nên cuối cùng ông cũng bỏ bà "ra đi". Khổ nổi, anh Hùng - chị Hoài yêu nhau sâu sắc nên không thể chia tay.

Tình trạng ngăn cấm tình duyên của các cặp trai gái, chọn năm sinh con cho hợp bố mẹ, chọn người hợp tuổi trong làm ăn... diễn ra khá phổ biến và là nỗi khổ của không ít người.

Ông Vũ Quốc Trung, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này cho biết, Bộ tứ hình xung: "Dần - Thân, Tỵ - Hợi; Thìn - Tuất, Sửu - Mùi; Tý - Ngọ, Mão - Dậu... được các cổ nhân phương Đông đưa ra trong môn tử vi - đoán mệnh trong học thuyết âm dương ngũ hành. Nói cách khác cổ nhân cho rằng, bạn tuổi Dần xung với người tuổi Thân, người tuổi Tị xung với người tuổi Hợi... Nếu là nam, nữ lấy nhau sẽ không hợp, dễ đứt gánh giữa đường hoặc hợp tác làm ăn với nhau khó thành công.
 
Thực tế điều đó có đúng không? Căn cứ vào đâu cổ nhân kết luận như vậy?






Tương sinh, tương khắc


Ông Vũ Quốc Trung lý giải,  theo học thuyết Âm Dương, học thuyết Ngũ hành và lý luận về hệ Can thì mọi sự vật hiện tượng, quá trình kể cả hữu hình và vô hình tự nó luôn tồn tại 2 mặt đối lập nhau thuộc khái quát hoá là Âm và Dương. Âm Dương luôn luôn vận động và tác động qua lại lẫn nhau để cho sự vật, hiện tượng, quá trình tồn tại và phát triển.

Theo quy luật khi Âm cùng Âm hoặc Dương cùng Dương sẽ đẩy nhau, phá nhau, ngược lại Âm với Dương lại hút nhau, Âm với Dương tương giao, tương hành, tương ứng, tương cầu với nhau. Giống như có dòng điện âm tương giao với dòng điện dương sẽ sinh ra ánh sáng, năng lượng. Sự giao hoà giữa đực và cái đã tạo thế giới sinh vật vô cùng phong phú và đa dạng. Người xưa đã khái quát hoá thế giới vật chất, sự vận động của thế giới vật chất bằng ngũ hành, đó là Mộc, Hoả, Thổ, Kim, Thuỷ. Theo đó cứ hai hành kế tiếp nhau thì sinh (hợp) gọi là tương sinh, còn đứng cách nhau một hành khắc (phá) gọi là tương khắc và được mô hình hoá như sau:

Theo sơ đồ này Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc và Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả.

Theo dịch học, hệ Can - Chi gồm có: 10 Thiên Can: Giáp, ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. 12  Địa Chi gốm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Thiên can và địa chi sau khi nạp âm dương ngũ hành ta có: Giáp (dương), ất (âm) - thuộc mộc; Bính (dương) Đinh (âm) thuộc hỏa; Canh (dương), Kỷ (âm) - thuộc Kim;  Nhâm (dương), Quý  (âm) - thuộc Thủy; Dần (dương), Mão (âm) - thuộc Mộc; Ngọ (dương), Tỵ (âm) thuộc Hỏa; Thân (dương), Dậu (âm) thuộc Kim; Tý (dương) - thuộc Thủy; Sửu (âm) - thuộc Thổ; Mùi (âm) - thuộc Thổ; Tuất (dương) - thuộc Thổ; Hợi (âm) - thuộc Thủy.

Phân tích các cặp xung nhau ta thấy: Dần là dương Mộc, Thân là dương Kim rõ ràng Dần và Thân đều dương nên đẩy nhau, kỵ nhau. Còn về Ngũ hành thì Thân thuộc Kim, Dần thuộc Mộc nên Kim và Mộc sẽ khắc, sẽ phá nhau.

Cũng tương tự Tỵ là âm hoả còn Hợi là âm Thuỷ cùng là âm nên đẩy nhau và Ngũ hành Thuỷ khắc Hoả nên  khắc phá nhau. Cặp Tý (dương Thuỷ) và ngọ (dương Hoả) cùng đồng khí dương và Thuỷ khắc Hoả...

Do đó, nếu ta thừa nhận học thuyết Âm Dương, ngũ hành và Can chi là đúng thì hệ quả là Dần - Thân, Tỵ - Hợi... xung nhau là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với nguyên tắc đồng khí Âm hoặc Dương đẩy nhau và Ngũ hành tương khắc sẽ khắc diệt nhau. Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn không hẳn như vậy.



12 con giáp.



Không thể chỉ tính trên biểu tượng con vật


Trả lời về vấn đề này, GS.TSKH Hoàng Tuấn, Giám Đốc Trung Tâm Unesco, tác giả cuốn sách Tử vi môn khoa học vận số đời người cho biết, nếu căn cứ về tứ hình xung trên 12 con giáp để kết luận, hợp, xung là hoàn toàn sai lầm.

Việc đặt ra địa chi 12 con giáp là người xưa lấy các con vật gần gũi với mình và dựa trên tập quán sinh hoạt của nó để đặt: Chuột thường phá vào ban đêm thì đặt giờ tý, gà gáy sáng đặt giờ ngọ... rồi từ đó đặt cho các năm - 12 năm trong tử vi thuộc 12 địa chi.

Từ đó, người ta cũng quan niệm các con vật khắc nhau, hay ăn thịt nhau quy sang con người sinh năm đó cũng không hợp nhau. Điều này, hoàn toàn sai và thiếu cơ sở khoa học. Bởi muốn tính toán xung - khắc đầy đủ theo tử vi thì ngoài việc dựa trên ngày tháng năm sinh của những người cần biết để xem địa chi, thiên can, ngũ hành còn phải căn cứ vào "mệnh và thân - từ khi sinh ra lớn lên của mỗi người", "thể và dụng - khả năng bẩm sinh cùng với sự rèn luyện..." mới đầy đủ.
 
Tuy nhiên, tất cả các môn khoa học dự báo nói chung và tử vi nói riêng thì xác xuất đúng cũng chỉ đạt 50 - 70% mà thôi.


- Địa chi hợp: Lục hợp âm dương có 6 cặp địa chi hợp nhau theo cơ chế "1 âm + 1 dương", gọi là "lục hợp": Tý - Sửu hợp Thổ; Dần - Hợi hợp Hỏa; Mão - Tuất hợp Hỏa; Thìn - Dậu hợp Kim; Tỵ - Thân hợp Thủy; Ngọ - Mùi (Thái dương - Thái âm).
- Địa chi xung: Các Chi ở các hướng đối nhau và có các hành tương phản. Đó là: Tý - Ngọ tương xung (Bắc - Nam; Thủy - Hỏa); Mão - Dậu tương xung (Đông - Tây, Mộc - Kim); Tý - Hợi tương xung (Hỏa - Thủy); Dần - Thân tương xung (Mộc - Kim). Các chi đối hướng và đồng cực, tức đồng khí cũng xung nhau: Thìn - Tuất tương xung (đều là Dương - Thổ);  Sửu - Mùi tương xung (đều âm Thổ).



Phần 2 :  Không thể phán xét một chiều :

Quan điểm "hợp xung" rất động, nếu chỉ xem xét một chiều sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ và chi tiết mới nên xét đoán.


"Lợn" con có thể bú được "hổ"

ThS Vũ Đức Huynh, tác giả của hơn chục cuốn sách về tâm linh và cổ học phương Đông khẳng định, nếu lấy tứ hành xung để ngăn cản chuyện hôn nhân của con cái hay chọn đối tác làm ăn... là sai lệch, thiếu hiểu biết.

Vấn đề tứ hành xung được thời nhà Tống đề xuất trong môn tử vi và các đạo sĩ tướng số bói toán đã dựa vào đó để phát triển. Xung khắc là dựa vào thuyết ngũ hành, các hành đối chọi thì xung nhau. Dần - Thân - Tỵ - Hợi là tứ "sinh" và tứ vượng gồm: Dần sinh Mộc, Mão vượng Mộc, Tỵ sinh Hỏa, Ngọ vượng Hỏa, Thân sinh Kim, Dậu vượng kim...

Tuy nhiên, phải tùy theo tiềm lực của từng hành, mỗi năm có một hành riêng và tính chất của hành đó có đủ sức lực để tác động hay không. Chẳng hạn, người ta vẫn nói hổ và lợn khắc nhau nhưng nếu vợ chồng, hoặc con một người tuổi Tân Hợi (lợn con) một người khác tuổi hổ thì không thể khắc được hợi bởi lợn con còn bé, các con vật chưa phân biệt được hổ hay lợn nên lợn con còn bú được hổ thì nói gì đến chuyện "khắc". Hay tuổn Mậu Dần thuộc mệnh thổ (đất tường thành) với tuổi Kỷ Hợi mệnh Mộc (cây đồng bằng) thì không những không khắc thậm chí có khi còn tốt...

Do đó, không thể cứ lấy con vật (năm sinh) để tính mà phải tính theo can chi và hành của năm, thậm chí còn phải tính phương hướng khi sinh, cha mẹ đôi bên... mới được.






Đồng hành cần đồng vị


Cùng quan điểm này, GS.TSKH Hoàng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Unessco, tác giả cuốn sách "tử vi môn khoa học vận số đời người" cảnh báo: Chẳng có gì đảm bảo chính xác, nhất là khi được phán bởi những thấy kém hiểu biết về khoa học và hù dọa để kiếm tiền.

Theo đại cương về tử vi "đồng hành" là có chung một hành thì tốt. Nhưng đi sâu vào từng trường hợp thì "đồng hành" lại phải thêm "đồng vị", "đồng tính" mới có thể chung sống và phát triển.

Trái lại đồng hành nhưng không đồng vị, không đồng tính, có khi lại hại nhau. Như hai cực của một nam châm, khác dấu mới hút nhau, đồng dấu đẩy nhau. Chẳng hạn, tuổi Mậu Thìn là đại lâm mộc (cây rừng lớn) với Quý Mùi (dương liễu mộc) xét về tuổi là không xung, lại cùng đồng hành mộc nhưng lại khó chung sống với nhau vì như loại tre trúc cỏ lau, khó chung sống với cây rừng lớn. Trong thực tế ta cũng thấy rõ điều này: Chỗ nào mà che nứa mọc thành đám, thành rừng thì các loại cây khác (kể cả cây lớn) khó mọc chung. Đó là trường hợp "lưỡng mộc - mộc chiết" mà khoa tử vi đã tổng kết.

Tương tự đối với Hỏa, có khi "lưỡng hỏa thành viêm": Hai Hỏa thành đám cháy như Thiên thượng hỏa và Sơn dầu Hỏa có thể gây nên cháy rừng lớn nhưng trái lại cùng hành Hỏa nhưng lại diệt nhau thành "lưỡng hỏa hỏa diệt như Tích lịch hỏa (lửa sấm sét) đánh vào Phúc đăng hỏa (lửa ngọn đèn) thì hỏa ở đây phải tắt. Đối với kim, với thủy, với thổ cũng thế.

Hơn nữa, về hai quá trình "sinh - khắc" cũng rất động như trong thực tế cuộc sống chứ không một chiều. Trong sinh có khắc, trong khắc có sinh, không thể phán xét  một chiều.

Chẳng hạn, trên nguyên tắc là Thủy khắc Hỏa, nhưng Thủy nhỏ không thể khắc được Hỏa lớn, có khi còn bị Hỏa làm cho khô kiệt. Cũng có khi Thủy - Hỏa tương giao, tạo nên cái thủy hữu dụng, như lửa trong bếp có thể đun sôi nước nấu cơm. Còn như Tích lịch hỏa (lửa sấm sét) hay Thiên thượng hỏa (lửa trên trời) thì Thủy không thể lên đó mà khắc được. Cũng như Sơn dầu Hỏa (lửa trên đỉnh núi) thì nước dưới khe (giản hạ thủy) khó lên đó mà khắc nhưng nước trên trời (Thiên thượng thủy) - tức nước mưa - lại có thể dập tắt ngay Sơn dầu hỏa.

Về quá trình "tương sinh" thì Thủy tuy sinh ra Mộc nhưng Thủy quá lớn có thể làm chết mộc, làm mất mùa màng. Cho nên, tạo hóa không bao giờ một chiều, mà trong "sinh lại có khắc"; "Trong khắc có sinh" để điều hòa nhau. Đối với Hỏa cũng thế. Hỏa nhỏ không thể khắc được Kim mạnh, cũng không thể sinh được Thổ mạnh. Hỏa ngọn đèn không thể rèn nên dao kiếm càng không khắc chế được Hải trung kim. Có khi kim phải nhờ hỏa chế mới thành khí, như Kiếm phong kim phải nhờ Lô trung hỏa chế. Nhưng hỏa yếu cũng không thể khắc được Kim mạnh hay Kim ẩn trong cát (Sa trung Kim) hay Kim dưới đáy biển (Hải trung Kim). Những loại kim này phải có Tích lịch Hỏa (lửa sấm sét) mới có thể khắc được.

Đối với Mộc cũng không khác. Tuy Mộc khắc được thổ nhưng Đại Lâm Mộc không thể mọc trên Sa trung Thổ; Mộc tươi ướt cũng không thể sinh được hỏa. Đối với Kim thì Kim yếu không thể khắc được Mộc mạnh, như chiếc liềm, chiếc hái không thể chặt được gỗ cứng, có khi còn bị sứt mẻ hay biến dạng. Nhưng đối với các loại Mộc yểu như các loại lau, sậy thì chúng cắt được dễ dàng. Còn Kim của đao kiếm thì có thể chặt được Mộc lớn dễ dàng. Nhiều trường hợp Kim, Mộc tương hỗ để trở thành hữu dụng như chiếc cưa, chiếc đục có thể biến một khúc gỗ thô thành những vật dụng có giá trị.

Đến lượt Thổ cũng không thể ra ngoài quan hệ "sung" - khắc trên. Đại trạch thổ, Thành đầu thổ có thể "khắc" Thủy ngăn nước lũ, nước lụt nhưng Sa trung thổ thì dễ bị thủy hòa tan, thổ yếu không thể khắc được Thủy mạnh, có khi lại bị cuốn trôi. Thổ lại phải nhờ thủy mà trở thành hữu dụng, mùa màng mới phát triển, nuôi sống được con người và vạn vật.

Điều đó chứng minh, không thể căn cứ vào xung - khắc để phán xét, cấm đoán. Mối quan hệ tương sinh, tương khắc là sự ràng buộc lẫn nhau, chuyển hóa lẫn nhau để tồn tại và phát triển hài hòa, để hạn chế cái thái quá và cái bất cập, không phải là sự loại bỏ lẫn nhau. Đó là hai mặt của mỗi vấn đề, như cổ nhân đã nói "tương phản nhị bất khả tương vô" - trái nhau nhưng không thể không có nhau. Vì vậy, chớ nên vì mê tín, nghe theo sự phán đoán thiếu chính xác, chưa đầy đủ mà làm ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi hay sự làm ăn của chính mình.

- Thiên can hợp: Giáp (dương) hợp Kỷ (âm), Đinh (âm) hợp Nhâm (dương), Ất (âm) hợp Canh (dương), Mậu (dương) hợp Quý (âm), Bính (dương) hợp Tân (âm).
- Thiên can xung: Theo cơ chế đồng khí và ngũ hành tương khắc như Giáp xung Mậu (cùng là Can dương) - Mộc khắc Thổ;  Ất xung Kỷ (cùng là Can âm) - Mộc khắc Thổ; Bính xung Canh (cùng là Can dương) - Hỏa khắc Kim; Đinh xung Tân (cùng là Can âm) - Hỏa khắc Kim; Mậu xung Nhâm (cùng can Dương) - Thổ khắc Thủy; Kỷ xung Quý (cùng Can âm) - Thổ khắc Thủy; Canh xung Giáp (cùng Can dương) - Kim khắc Mộc; Tân xung Ất (cùng Can âm) - Kim khắc Mộc; Nhâm xung Bính (cùng Can dương) - Thủy khắc Hỏa; Quý xung Đinh (cùng Can âm) - Thủy khắc Hỏa.




(còn tiếp)