Từ lời phán " Động long mạch " đến lý giải của khoa học

Thói thường, "sinh có hạn, tử bất kỳ". Thế nhưng, những cái chết liên tiếp diễn ra ở làng Đại (xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương) khiến cho người dân càng nơm nớp lo sợ, ăn không ngon ngủ không yên. Người ta nhớn nhác đi tìm thầy, gặp thợ những mong tìm được lời giải. Và lời phán "làng bị động long mạch" khiến cả làng hoảng loạn, xôn xao.


Phần 1 :  Thực hư việc xây đền Vua chạm long mạch


Ngôi đền vừa xây xong, người trong làng cứ liên tiếp theo nhau về "chầu ông bà ông vải". Người bị bệnh mất đã đành. Người bị tai nạn giao thông, sập hầm lò chết bất đắc kỳ tử, trung tuổi có, trai tráng có càng khiến cho dân làng hoang mang, lo lắng tột độ.


Họ tin rằng, đó là do khi san núi làm đền đã chạm đến long mạch của làng, bị thần linh "quở" nên về bắt dân làng phải đền mạng. Câu chuyện được người ta đồn thổi, thêu dệt làm rúng động cả một miền quê nghèo.

Nỗi lo sợ của mẹ con bà bán nước

Người dân làng Đại (xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương) vốn chỉ quen với tay cày, tay cuốc, với những ruộng lúa, bãi ngô. Cuộc sống của họ chưa giàu song yên bình như nhiều làng quê thuần nông trên dải đất hình chữ S này. Cho đến một ngày, cả làng Đại nháo nhác, hoang mang khi có những cái chết liên tiếp diễn ra. Điều trùng hợp là chính trong năm ấy, ngôi đền Vua vừa mới hoàn thiện.

Bây giờ, khi những nấm mồ của người chết trong làng có liên quan đến "động long mạch" kia đã xanh cỏ thì những người làng Đại vẫn còn nơm nớp lo sợ. Ngay như mấy mẹ con bà bán nước gần chân núi Bàn Cung, khi nghe tôi gặng chuyện cũng ngập ngừng. Bởi họ không muốn khơi lại quá khứ đau buồn của làng. Và quan trọng nữa là "chẳng biết thế nào mà lần, ở đất thánh mà nói những chuyện nhảm nhí sẽ bị rắc rối chứ chả chơi" như lời người đàn ông - con bà bán nước ngay chân núi nghi ngại, nhất định không chịu nói tên mình như sợ sẽ bị "phạt".

Hay như ông Trưởng thôn Dương Văn Đông dù có xua tay lia lịa "làm gì có chuyện người chết nhiều vì động long mạch trên núi như đồn đại" thì cũng phải thừa nhận rằng: "Năm 2006, thời điểm đền Vua vừa hoàn thiện, số người chết trong làng nhiều hơn hẳn. Tính đến nay cũng không có năm nào nhiều hơn thế".

Câu chuyện về sự trùng hợp giữa việc xây đền với việc số người chết đột biến trong làng đã thôi thúc tôi đi tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện.

Ngôi đền trên đỉnh Bàn Cung

Bà Dương Thị Hoa năm nay 69 tuổi. Bà là người gốc ở làng này nên bao nhiêu chuyện trong làng bà đều tỏ tường.

Bà Hoa bảo, người làng bà chưa giàu nhưng bao thế hệ làng Đại đều mang trong mình niềm tự hào khi được sinh ra ở vùng đất của thánh thần. Sở dĩ như thế là vì, ở làng có quần thể đền Cao thờ 5 anh em họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược ở thế kỷ thứ X. Ngôi đền Cao còn nổi tiếng linh thiêng khắp vùng.

Trong trí nhớ của bà Hoa, năm 2003, ngôi đền Vua thờ vua Lê Đại Hành được khởi công xây dựng. Trước đó đã có hẳn một cuộc hội thảo, mời các nhà khoa học lịch sử đến trao đổi, phát biểu để đưa đến quyết định chọn địa điểm xây đền. Tuy nhiên, khi nghiên cứu lại những tài liệu kết hợp với khảo sát thực địa đã phát sinh vấn đề. Chỗ vua về triệu quân đánh giặc rồi dựng trại là ở Đồng Dinh, nhưng vì nơi đó đã xây nhà trẻ nên không thể phá đi để xây đền được. Thêm nữa, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Vua thì phải ở trên cao, cao hơn cả nơi thờ tự 5 anh em họ Vương nên đã quyết định chọn xây dựng ngôi đền trên đỉnh núi Bàn Cung.



Đền Vua trên đỉnh Bàn Cung, nằm ngay sau đền Cao.


Tôi đem câu chuyện này tới hỏi ông Trưởng thôn Dương Văn Đông, ông cũng gật gù xác nhận.

Chỉ tay về hướng núi, bà Hoa còn cho biết thêm: "Từ nhỏ, tôi đã nghe các cụ bảo rằng, ngọn núi Bàn Cung có thế hình Kim Quy (hình rùa). Riêng con dốc nối từ núi Bàn Cung sang núi Thiên Bồng - nơi đặt đền Cao gọi là yên ngựa".

Việc xây dựng ngôi đền kéo dài trong gần 3 năm, đến đầu năm 2006 thì hoàn thiện. Cụ thể vào ngày nào thì bà Hoa và cả ông Đông cũng không còn nhớ chính xác.

 
Bốn ngày, cả làng có 3 đám tang

Ngôi đền vừa khánh thành thì trong làng cũng bắt đầu có chuyện.

Ông Cao Văn Sánh, 60 tuổi, làm thủ nhang ở đền Vua từ những ngày đầu vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại với tôi. Ông cho hay, theo tục lệ, đền Cao mở hội chính từ ngày 22 - 24/1 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, thường thì lễ hội sẽ đến sớm một ngày và kết thúc muộn một ngày.

Năm ấy, nhằm ngày đầu tiên của lễ hội, người dân làng Đại rụng rời chân tay khi hay tin anh Thật (SN 1970) đang làm than ở Trại Nẻ thì lò bị bục. Anh Thật bị mắc kẹt trong lò, mấy ngày sau người ta mới moi được xác lên, chuyển về cho gia đình mai táng.

Ông Sánh cũng cho biết thêm, ở làng Đại có một tục bất thành văn, truyền từ hàng trăm năm nay. Ấy là khi đền Cao vào hội, trong làng có đám tang sẽ không được tổ chức trống kèn rình rang, cũng không được đưa ma mà phải đợi hết hội mới được tiến hành. Thế nên, dù cái xác của anh Thật đã dần bị phân hủy sau mấy ngày trời bị vùi trong đất cát thì cả gia đình vẫn phải để lại, chờ ngày mãn hội.

Người ta còn chưa hết xót thương cho cái chết của anh Thật thì khoảng giữa hội lại nghe tin bà Khánh, 70 tuổi qua đời. Bà Khánh là bác họ của ông Sánh. "Ăn cơm xong, bác tôi chỉ ặc ặc được mấy tiếng rồi tắt thở, dù trước đó bác tôi vẫn còn khoẻ mạnh", ông Sánh kể.

Liền sau đó, cháu họ xa của ông Sánh là chị Nhuần mắc bệnh từ nhiều năm trước cũng chết ở tuổi 40, khi hội đền Cao chưa tàn. Ông Sánh bảo, sống quá nửa đời người, chứng kiến hàng chục mùa lễ hội đền Cao nhưng ông chưa thấy năm nào có chuyện "tang chồng tang" như thế. Đó thật sự là một đại họa cho chính những gia đình có người chết vào dịp đó, vì người ta vẫn quan niệm chết trùng lễ hội sẽ không hay. Rủi thay, cả ba người đó đều là chỗ họ hàng vừa xa vừa gần với nhà ông Sánh.



Ông Cao Văn Sánh vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về ba cái chết liên tiếp của họ hàng trong dịp lễ hội đền Cao năm 2006, ngay sau khi đền Vua khánh thành.

Thế là những ngày hội, làng Đại trầm xuống. Màu tang tóc rải khắp làng nhưng người ta cũng không dám than khóc, vật vã. "Năm ấy, hội giã sớm một ngày để ngày 25 còn đưa các xác ra đồng chôn cất vì đã để quá ngày, xác bắt đầu phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường", ông Sánh nhớ lại.

Ngày 25 tháng giêng năm 2006 cũng đã trở thành ngày ám ảnh trong ký ức của người làng Đại, khi từ sáng đến chiều người ta phải chứng kiến ba đoàn người lặng lẽ theo sau ba chiếc xe tang ra đồng, chuyện chưa từng có ở làng.

Những cái chết liên tiếp trong làng, diễn ra đúng dịp lễ hội khiến cho người dân dù chưa hiểu sự tình thì vẫn nghĩ đó là điềm không tốt. Số người chết trong làng không ngừng tăng lên, ngay ông Trưởng thôn Dương Văn Đông cũng xác nhận "tính đến nay chưa có năm nào mà nhiều người chết như năm 2006".

Người dân hoang mang, nháo nhác đi tìm lời giải.
 
Đền Vua thờ vua Lê Đại Hành, nằm trên đỉnh núi Bàn Cung, phía sau đền Cao, nối với nhau bởi con dốc có tên "yên ngựa". Tương truyền, năm 981, khi quân Tống xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành truyền hịch đi khắp nơi tìm người hiền tài ra phò vua giúp nước. Đến khi nhà vua hành quân đi đánh giặc qua địa phận xã An Lạc hiện nay, nhận thấy ở đây địa thế hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân ngay trong thôn Đại. Cũng tại đây, vua đã gặp 5 anh em nhà họ Vương, nhận thấy họ đều là người tài năng liền cho thử tài và chiêu dụng. 5 anh em họ Vương đã góp phần đánh đuổi quân Tống ra khỏi bờ cõi, được nhân dân lập đền thờ. Đền thờ vua Lê Đại Hành mới được xây dựng ở thôn Đại để tưởng nhớ vị vua này.


Phần 2 :  Lý giải của khoa học từ lời phán " Động long mạch "


Khăn tang chồng nhau

Dù không thể lý giải được ba cái chết liên tiếp trong cùng dịp lễ hội đền Cao năm 2006, thời điểm mà đền Vua đã hoàn thiện, nằm tít trên đỉnh núi Bàn Cung thì người dân làng Đại cũng bắt đầu manh nha một mối lo sợ mơ hồ. Người ta truy vấn nhau, "chết lúc nào không chết, sao lại chọn đúng thời điểm diễn ra lễ hội?" càng khiến cho những người yếu bóng vía hoang mang. Người ta cũng rỉ tai nhau, một đồn mười, mười đồn trăm càng làm cho ba cái chết ấy trở nên ly kỳ, đẩy cái sự "bất thường" ấy lên để hù dọa nhau, để "cho có chuyện" trong những cuộc “buôn dưa lê bán dưa chuột” của các bà và những cuộc trà dư của các ông.

Việc người chết thì ở đâu, ngày nào chả có. Người già chết, người bị bệnh chết, người bị tai nạn giao thông chết... Làng Đại cũng không nằm ngoài quy luật sinh - tử ấy. Thế nhưng, việc hầu như tháng nào trong làng cũng có đám tang, thậm chí có tháng lên tới 2, 3, 4 đám thì người ta cũng phải giật mình.

Bấm đốt ngón tay, ông Cao Văn Sánh, thủ nhang đền Vua nhẩm tính những con số khiến người nghe không khỏi rùng mình. Người mất đầu tiên trong năm 2006 là ông Lỗi, mất ngày 18/1 âm lịch. Như vậy, cộng thêm những cái chết nhằm đúng dịp lễ hội đền Cao thì trong vòng tháng đó có tới 4 cái chết, cách nhau chỉ mấy ngày.

Sang tháng 2, nhằm ngày đầu tháng, bố ông Sánh cũng qua đời, hưởng thọ 77 tuổi. Tiếp đó đến anh Khôi mất vì tai nạn giao thông, rồi ông Hải cũng vì tai nạn mà chết... Số người chết trong làng theo bấm đốt ngón tay của ông Sánh cứ nhiều mãi lên, quá cả số đốt ngón ở hai bàn tay của ông.

"Tính ra, hầu như tháng nào trong làng cũng có người chết", ông Sánh buông tiếng thở dài. Màu tang tóc phủ lên cả làng không lúc nào thôi. Người chết vì bệnh, vì tuổi cao, đột tử... Thôi thì đủ cả. Có những dòng họ như nhà ông Sánh, vừa tiễn người chết ra đồng tháng trước thì tháng sau lại lo làm ma cho người mới. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, vành khăn trắng chồng lên vành khăn trắng.



Đường lên đền Vua. Người ta lo sợ rằng chính việc xẻ núi Bàn Cung này đã làm cho làng Đại bị động long mạch.


Thầy phán: Thần quẫy thì sẽ có người chết


Những cái chết liên tiếp, không ngừng tăng khiến người dân hoang mang cũng là lẽ đương nhiên. Người làng Đại nháo nhào đi tìm thầy tìm thợ những mong hóa giải vận hạn cho gia đình. Họ đổ xô đi tìm thầy ở khắp trong và ngoài tỉnh. Kết quả, "đi đến đâu cũng nghe người ta nói rằng long mạch của làng bị động. Ngay như dòng họ nhà tôi cũng bị phán như thế", ông Sánh bần thần kể. Tất nhiên, chuyện "động long mạch" ấy chỉ được rỉ tai nhau, các gia đình có người mất thì tự lo làm lễ hóa giải. Song những cái chết vẫn không ngừng.

Bà Dương Thị Hoa, thủ nhang ở đền Cả kể lại: Cuối năm 2006, có một ông khách đang làm ăn ở Hải Phòng về lễ ở đền Cao. Nghe câu chuyện thương tâm của làng, ông mời thầy ở Quảng Trị ra làm lễ. "Hôm đó, thầy về, nhìn thế đất của làng, đến cả quả núi Bàn Cung, thầy phán luôn rằng làng bị động long mạch rồi. Ai lại đi phạt lưng rùa thế kia (ý nói san đỉnh núi Bàn Cung làm nơi xây đền Vua) thì bảo sao thần không đau, không quẫy đạp được? Mà thần quẫy thì trong làng sẽ có người chết. Nói rồi, thầy sửa soạn làm lễ, phải làm đàn tới bốn lần mới thành công", giọng bà Hoa ra chiều bí ẩn lắm. Cũng theo bà Hoa, sau khi thầy làm lễ, số người chết trong làng đã giảm hẳn và yên ổn cho đến tận bây giờ.

Một thôn, số người chết nhiều hơn cả xã cộng lại

Tôi đem câu chuyện về lời đồn đại số người chết đột biến ở làng có liên quan đến "động long mạch khi xây đền Vua" lên UBND xã, gặp những người có trách nhiệm từ ông Phó Chủ tịch đến cán bộ tư pháp xã, Trưởng Công an. Tất cả chỉ nhận được những cái lắc đầu, xua tay phủ nhận. Tuy nhiên, dù không mê tín song những vị này cũng đều thừa nhận "số người chết trong xã An Lạc năm 2006 cao hơn hẳn trong vòng ngót 10 năm trở lại đây".

Ông Dương Hồng Quân, cán bộ tư pháp xã đưa cho tôi cuốn sổ ghi chép lại những trường hợp bị mất trong 10 năm nay. Cuốn sổ to bản, ghi rõ các mục số thứ tự, họ tên người mất, ngày tháng mất, lý do mất. Theo đó, năm 2002, cả xã có 32 người chết. Con số đó lần lượt cho đến năm 2010 là: 22, 26, 22, 49, 28, 30, 42, 36. Nhìn vào đó có thể thấy, năm 2006, số người chết trong toàn xã là cao nhất, đột biến. Trong khi trước đó, năm 2005 chỉ có 22 trường hợp và cũng là năm nhiều nhất tính từ năm 2002.

Xã An Lạc có 6 thôn thì riêng trong năm 2006, số ca mất ở thôn Đại đã chiếm quá nửa so với 5 thôn kia cộng lại (25 người), vượt quá cả số người chết trong toàn xã năm 2005. Xét một cách cơ học thì rõ ràng, sự hoang mang của người làng Đại thời điểm ấy kể cũng không phải là vô căn cứ. Tuy nhiên, những cái chết liên tiếp trong làng có thực là do động long mạch khi làm đền thì vẫn còn là một điều bí ẩn.



Theo bà Dương Thị Hoa, từ khi có thầy về làm lễ, cuộc sống của người dân làng Đại đã yên ổn trở lại.


Động long mạch: Không có cơ sở khoa học


Ông Nguyễn Văn Thân, Trưởng Công an xã An Lạc khi nghe tôi đề cập đến chuyện "động long mạch" thì xua tay lia lịa. Ông khẳng định chắc như đinh đóng cột như thể là người biết rõ mọi sự: "Làm gì có chuyện đó. Đấy chỉ là trò mê tín dị đoan của những ông đồng, bà cốt mà thôi".

Còn ông Mạc Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã thì tỏ ra mềm mỏng hơn. Ông bảo, những cái chết ở làng Đại nhiều hơn các làng khác, nhiều hơn so với các năm trước đó và cả những năm sau này thì là thật. Sổ sách đã ghi rõ ràng. Nhưng có thể, đó chỉ là sự trùng hợp mà thôi, vì người ta mắc bệnh đến giai đoạn cuối, không thể... đợi đến năm 2007, 2008 để chết được. Hay những người bị tai nạn giao thông thì có thể do không làm chủ được tốc độ. Rồi ông lập luận: "Nếu bảo chết vì động long mạch thì tại sao khi khởi công xây dựng đền Vua vào năm 2003 người ta không... chết, phải đợi mãi đến khi hoàn thiện đền?".

Còn KTS Trần Thanh Vân, người nghiên cứu về phong thủy giải thích: Long mạch phải gắn với mạch đất, mạch nước, nằm sâu trong lòng đất hoặc nằm nổi nhưng không cao quá mặt đất (các dòng sông) chứ không thể có chuyện long mạch nằm trên đỉnh núi được. Do đó, nói rằng làm đền trên đỉnh núi làm động long mạch là hoàn toàn không có cơ sở khoa học!

"Thực tế, vẫn có chuyện làm động, đứt long mạch thì những người sống trên mảnh đất ấy bị ốm đau, bệnh tật. Vì long mạch là nơi lưu thông khí trong lòng đất. Khí lưu thông tốt thì vạn vật tốt tươi và ngược lại, dòng khí bị chặn sẽ không thoát, ảnh hưởng đến vạn vật là đương nhiên. Tuy nhiên, như trường hợp ở làng Đại thì không thể nói là đứt hay động long mạch được, vì đỉnh núi thì làm gì có long mạch!".
KTS Trần Thanh Vân