Bà Võ Thị Thắng qua đời

Bức ảnh chụp đưa bà Võ Thị Thắng trở thành một biểu tượng

 

Tấm ảnh chụp “nụ cười chiến thắng” cùng câu nói thách thức của bà trước tòa đã đưa bà trở thành một biểu tượng cách mạng thời bấy giờ.

Bị kết án 20 năm tù, bà được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1974.

Chức vụ cao cấp cuối cùng của bà khi nghỉ hưu là Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Theo tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Võ Thị Thắng, sinh năm 1945 ở Long An, tham gia cách mạng khi còn nhỏ.

Tháng Bảy 1968, bà được giao nhiệm vụ ám sát ông Trần Văn Đỗ, bị cho là “mật vụ chỉ điểm”.

Một bài báo của tờ Quân đội Nhân dân mô tả bà đột nhập vào nhà ông Đỗ ngày 27/7, đến sát giường nổ súng nhưng hai phát đều không nổ.

Sau khi viên đạn thứ ba bắn không trúng, bà bị bắt giữ.

Tại phiên tòa ở Sài Gòn ngày 2/8/1968, bà bị kết án 20 năm tù khổ sai.

Sách vở của Đảng Cộng sản nói bà đã tuyên bố tại tòa: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”

Nụ cười của bà Thắng, được một phóng viên nước ngoài chụp, đã khiến bà trở nên nổi tiếng như biểu tượng cho phụ nữ Việt Nam theo cách mạng.

Ngày 7/3/1974, theo điều khoản của Hiệp định Paris, bà và nhiều người khác được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại sân bay Lộc Ninh.

Sau khi Việt Nam thống nhất, bà Thắng được Đảng Cộng sản trao nhiều huân chương, làm đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, và từng giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trước khi nghỉ hưu năm 2007.

Truyền thông trong nước nói bà qua đời sáng ngày 22/8 ở TP. HCM.