Thông qua luật Nhà ở sửa đổi, cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật sửa đổi trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, tại điều 159 về chính sách cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh, quốc phòng; cần tổng kết về vấn đề này và rút kinh nghiệm của các nước trong việc thực thi chính sách cho người nước ngoài mua nhà ở.

Tuy nhiên, ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo luật theo hướng: cho phép người nước ngoài được mua nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm.

Ảnh minh họa: TNO

Theo ông Phan Trung Lý, quy định này đã được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà tại Việt Nam và đã nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… về vấn đề này. Đồng thời, quy định như vậy đã tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn FDI và đảm bảo cam kết hội nhập của Việt Nam.

Biểu quyết riêng về điều khoản trên, đã có tới 372 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm tỉ lệ 74,85% tổng số đại biểu), trong khi chỉ có 28 đại biểu không tán thành và 4 đại biểu không biểu quyết.

Ngoài nội dung đáng chú ý trên, tiếp thu ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về việc cần thu hẹp đối tượng ở nhà ở công vụ, ban soạn thảo đã tiếp thu và quy định những đối tượng được áp dụng chính sách nhà ở công vụ là các cán bộ của các cơ quan Đảng, Nhà nước được điều động, luân chuyển từ cấp Thứ trưởng và cấp tương đương ở lên ở T.Ư, hoặc là cán bộ cấp giám đốc sở, UBND huyện trở lên tại địa phương.

Đồng thời, luật Nhà ở sửa đổi được thông qua đã bổ sung thêm một số quy định tại các điều 34, 81 và 84 để quản lý nhà ở công vụ được chặt chẽ, tránh tình trạng dây dưa, không trả nhà ở công vụ như một số đại biểu góp ý.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2015, dự luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 183 điều, trong đó có khá nhiều điều, khoản được sửa đổi theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội.