Dân tái định cư B6B Nam Trung Yên : Hãi hùng và ngán ngẩm

Nước sạch mà có màu như gạch cua, đóng cặn và bốc mùi tanh, thối khó chịu… đang khiến gần trăm cư dân sống tại tòa nhà B6B khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) hãi hùng, muốn di dời khỏi đây.

Nước sạch nhưng… mùi nước cống

Trao đổi với PV, chị Thu Thủy đang sinh sống tại căn hộ 904 bàng hoàng kể lại, khi cầm cốc nước lên để đánh răng buổi sáng chị cảm giác bị nghẹt thở khi thấy mùi thối bốc lên từ chiếc cốc, cứ tưởng chiếc cốc dính bẩn gì nên chị đổ nước đi và rửa sạch cốc rồi lấy nước khác nhưng vẫn không thể dùng được, phải dùng nước tinh khiết để rửa mặt. Chị Thủy cho biết, cách đây một tuần chị đã có cảm giác nước có mùi thối, nhưng người trong gia đình lại bảo chắc là nước cống bốc mùi lên thôi, chứ không ngờ lại có chuyện hàng ngày họ phải nấu ăn, tắm rửa bằng thứ nước mỗi ngày một nặng mùi như thế.

Nước sạch nhưng có màu vàng, đục và có mùi tanh, thối. Ảnh: Nguyễn Lê
Nước sạch nhưng có màu vàng, đục.... 

Cùng chung bức xúc, anh Cường sống ở căn hộ 604 lo lắng: “Từ hôm qua đến giờ tưởng là trời mưa nên nước chuyển màu, mặc dù lọc đến ba bốn lượt khăn mà vẫn đục. Thế rồi, mấy ngày hôm nay chúng tôi phát hiện ra mùi tanh và thối, cứ dùng nước kiểu này thì người dân chắc sẽ ung thư và mắc bệnh đường ruột hết thôi”.

Và có mùi tanh, thối bốc lên. Ảnh: Nguyễn Lê
...Và có mùi tanh, thối bốc lên.

“Mấy ngày nay, cuộc sống cả gia đình tôi bị đảo lộn chỉ bởi lo lấy nước sạch ở đâu mà sinh hoạt. Chúng tôi toàn phải đi tắm giặt nhờ nhà người quen, nước bẩn lắm không dám sờ tay vào, nếu sờ tay vào thì mùi hôi bám lại chẳng khác gì nhúng tay vào nước “cống”. Gia đình phải mua dự trữ sẵn mấy bình nước tinh khiết về để vừa uống, vừa vệ sinh buổi sáng”, cô Hải ở căn hộ 403 cho hay.

Dự trữ nước tinh khiết để uống và rửa mặt buổi sáng. Ảnh: Nguyễn Lê
Dự trữ nước tinh khiết để uống và rửa mặt buổi sáng.

Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư

Trao đổi với PV Laodong.com.vn, ông Trần Ngọc Quang, Phó Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy (Cty Nước sạch Hà Nội) khẳng định, nước sạch không bị ô nhiễm, không có vấn đề gì cả, đây là do nước cống chảy vào bể đựng nước sạch. Bị thế này là do chất lượng bể xây không tốt, đây là trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư phải bảo hành công trình.

Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy tạm thời chở nước đến cung cấp cho cư dân. Ảnh: Nguyễn Lê
Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy tạm thời chở nước đến cung cấp cho cư dân.

“Chúng tôi sẽ kết hợp với chủ đầu tư, ban quản lý khu đô thị để khắc phục ngay sự cố này. Hiện, chúng tôi đang cho hút hết nước trong bể chứa để kiểm tra, khắc phục sự cố, sau đó sẽ kiểm tra lại chất lượng nước rồi mới cấp nước lại cho dân. Trước mắt, chúng tôi sẽ cho xe chở nước sạch để tạm thời cung cấp nước ngay cho bà con cư dân, đảm bảo đủ nước dùng cho bà con đến khi khắc phục xong mới ngừng. ” – ông Quang cho biết.

Nhiều người dân phải nghỉ làm để mang nước sạch về cho cả gia đình, việc vận chuyển nước lên tận tầng 17 cũng khá khó khăn, mất thời gian khi chỉ có 1 cầu thang máy hoạt động. Ảnh: Nguyễn Lê
Nhiều người dân phải nghỉ làm để mang nước sạch về cho cả gia đình, việc vận chuyển nước lên tận tầng 17 cũng khá khó khăn, mất thời gian khi chỉ có 1 cầu thang máy hoạt động.

Cùng với đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị Nam Trung Yên cũng cho rằng, quỹ nhà tái định cư này vẫn đang trong thời gian bảo hành nên chủ đầu tư là Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội phải có trách nhiệm trong chuyện này. “Hiện, chúng tôi đang phối hợp với bên Xí nghiệp nước sạch kiểm tra kỹ, đào rộng quanh đường dẫn ống nước để xác định chính xác nhất nguyên nhân dẫn đến việc nguồn nước bị ô nhiễm, dù phải ngừng cấp nước 5 ngày và cấp nước tạm thời cho dân chúng tôi cũng phải làm đến cùng để rõ nguyên nhân ”- ông Thắng cho hay.

Bên cạnh việc nguồn nước bị ô nhiễm này thì còn rất nhiều vấn đề đáng nói tới khiến cư dân nơi đây đang rất bức xúc, chúng tôi sẽ đề cập ở bài viết khác. Tuy nhiên, sự việc này đã khiến nhiều cư dân đang rất lo lắng khi sống tại khu tái định cư B6B Nam Trung Yên nói riêng và tại những tòa nhà tái định cư nói chung, nhiều người đã có ý muốn bán nhà này để chuyển đi nơi khác ổn định hơn. Những vấn đề như thế này vô tình đã đẩy người dân đến tâm lý “sợ sống ở nhà tái định cư”, không biết điều này các cơ quan chức năng có hay?!

Thang máy chết…

Đại diện cư dân B6B Nam Trung Yên, ông Nghiêm Văn Lợi, Tổ trưởng tạm thời của tòa nhà than thở, các hộ dân sống ở tòa nhà này đều là những hộ bị di dời từ dự án Văn Cao – Hồ Tây, từ khi đến ở tới nay đã hơn một năm nhưng chưa ngày nào mọi thứ được yên ổn.

Chiếc thang máy này ngày hỏng nhiều hơn ngày sử dụng. Ảnh: Lê Thảo
Chiếc thang máy này ngày hỏng nhiều hơn ngày sử dụng.

Điển hình là thang máy, bà con nơi đây quá lo khi phải chung sống với nó. “Cả tòa nhà có 2 cái thì từ tháng 7.2010 đến nay một cái luôn luôn bị hỏng, không sử dụng được. Còn lại một cái không bị “chết” hẳn thì cũng liên tục trục trặc, có lúc nó bị đơ ra, để hoạt động được thì phải dập cầu dao khởi động lại một ngày không dưới 10 lần” – ông Lợi cho hay.

Chính vì chỉ còn một thang máy sử dụng được nên mất rất nhiều thời gian cho việc đi lên, đi xuống đồng thời còn ảnh hưởng đến tính mạng của cư dân. Cái chết của bà Mùi ở căn hộ 1206 khiến nhiều cư dân bất an khi nhà có người bị bệnh đau ốm. Ông Lợi kể lại: Bà Mùi chỉ mắc bệnh ho, phế quản nhưng mỗi khi phát bệnh là phải đi đến bệnh viện cấp cứu ngay, đã nhiều lần đến bệnh viện và bà Mùi lại trở về khỏe mạnh. Thế nhưng, ngày 16.2, do chờ thang máy quá lâu nên khi ra tới xe taxi bà đã xỉu dần và đã mất trên đường tới bệnh viện.

“Giá như thang máy không bị hỏng thì bà Mùi đã không phải mất thời gian chờ lâu để bà phải ra đi ở tuổi 67 như thế”, ông Lợi bùi ngùi nói.

Tường đã bị nứt và bị ngấm nước. Ảnh: Lê Thảo
Tường đã bị nứt và bị ngấm nước.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hiền sống ở căn hộ 403 còn than vãn, nhà vừa giao cho dân được khoảng một năm nay mà đã xuống cấp rất nhanh. Chỉ tay lên tường, ông lấy dẫn chứng ngay: nứt hết cả rồi, có nhà còn bị ngấm nước mốc hết, nền hành lang chung gạch lát bong rộp hết người dân bao lần đã phải tự sửa.

Đèn chiếu sáng ở hành lang mới chỉ được thắp sáng khoảng 30% số đèn hiện có. Ảnh: Lê Thảo
Đèn chiếu sáng ở hành lang mới chỉ được thắp sáng khoảng 30% số đèn hiện có.

Chưa hết, hệ thống thắp sáng hành lang cao tầng hiện nay chưa đến 30% số đèn được thắp sáng, hệ thống đèn chiếu sáng ngoài sân không được sử dụng khi trời tối cho nên thường xảy ra tai nạn giao thông và mất cắp. Đến cái cấp thiết nhất là máy phát điện cho thang máy phòng khi mất điện cũng không có, máy bơm cứu hỏa cũng chẳng thấy đâu…. “Chúng tôi ngán ngẩm cảnh sống này lắm rồi!”, ông Hiền vừa nói vừa lắc đầu.

Ban Quản lý tự ý kiếm tiền trên nóc nhà dân?

“Nhiều lần chúng tôi làm đơn kiến nghị gửi các nơi liên quan, đến ngày 27.7 vừa qua mới có một cuộc họp đại diện giữa các bên: Chủ đầu tư, Xí nghiệp quản lý khu đô thị, Sở Xây dựng, Sở Tài chính… mới nhận được lời “hứa”: với những trang thiết bị hư hỏng, chủ đầu tư sẽ sửa chữa và hoàn thành trước ngày 10.8 và các hạng mục thuộc phần xây dựng họ sẽ sửa chữa, hoàn thành trước ngày 30.8. Người dân đang rất hy vọng vào những thời gian mà chủ đầu tư nói sẽ khắc phục cho dân”, ông Lợi cho biết.

4 cột sóng Viettel
4 cột sóng Viettel "chễm trệ" trên nóc tòa chung cư B6B do bên quản lý nhà qua mặt dân, tự ý cho thuê.

Dẫn chúng tôi lên nóc tòa nhà 17 tầng, ông Lợi phàn nàn, chẳng có thông báo hỏi ý kiến người dân mà bên quản lý nhà đã tự ý cho Viettel thuê đặt 4 cột thu phát sóng trên nóc nhà thế này. “Chúng tôi rất lo lắng vì nhiều cột sóng thế này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là các cháu nhỏ, phụ nữ có bầu, nhưng thắc mắc thì bên quản lý nhà chỉ trả lời miệng không ảnh hưởng gì cả, còn thì kệ dân”.

Với chất lượng cũng như các trang thiết bị thiết yếu của tòa nhà ngày một xuống cấp như thế này đã càng làm cho người dân ngán ngẩm khi sống ở những khu nhà tái định cư.

Theo quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 5.7, do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký đã ban hành quy chế bàn giao, tiếp nhận, quản lý công trình nhà ở, căn hộ và các hạng mục công trình phục vụ tái định cư.  Quyết định quy định rõ nguyên tắc chung là sau khi bàn giao, tiếp nhận công trình nhà ở phải có đủ các điều kiện để bố trí cho các hộ gia đình sử dụng được ngay.

Đồng thời, trong thời gian chưa thành lập được Ban quản trị chung cư theo quy định của pháp luật, đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ quản lý quỹ nhà phải tổ chức bộ máy dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư để duy trì hoạt động của hệ thống trang thiết bị thang máy, máy bơm nước sinh hoạt, hệ thống phòng chống cháy nổ, máy phát điện dự phòng, hệ thống thu gom rác thải, hệ thống đèn sáng hành lang… đảm bảo cho tòa nhà chung cư hoạt động bình thường.