Lượt thăm:241364550   Đang Online: 870

Số lượt xem: 2069
Gửi lúc 13:56' 23/09/2011
Hiếu kính thời hiện đại
Hiếu kính Mẹ - Cha được dạy từ trường tiểu học. “14 Lời khuyên” của Phật giáo và “10 Điều răn” của Thiên Chúa giáo cũng dạy phải thảo kính mẹ-cha. Cha mẹ cũng dạy. Nhưng hiếu kính cha mẹ phải từ lúc họ còn sống. Nhất là khi cha mẹ về già thậm chí đau yếu. “Trẻ cậy cha – Già cậy con”.

“Sống vui - Sống khỏe” là tiêu chí xã hội đang thực thi cho “Người cao tuổi”. Trong gia đình, cha-mẹ, ông-bà rất mẫn cảm với những gì con cháu làm cho mình. Họ sung sướng đến chảy nước mắt khi nhận được sự thảo kính có ý nghĩa hiếu kính. Và họ cũng tủi thân nước mắt lưng tròng khi bị thất kính ngược đãi. Hiếu kính phải ngay từ khi họ còn sống. Đừng chờ khi họ nhắm mắt xuôi tay mới “mâm cao cỗ đầy” “tiền vàng âm phủ” đốt đùng đùng khi ấy họ có cảm nhận được gì đâu?

Gặp nhau nơi gốc “Cụ cổ thụ Đa” có bộ râu rễ thả sum suê giữa sân Tòa soạn Báo Nhân Dân, Nhà báo – Nhiếp ảnh Phạm Kim - đã nghỉ hưu, khoe: “Tháng sau vợ chồng mình đi chơi Thụy Điển 6 tháng. Con trai mời!”. Bắt tay chúc mừng anh chị: “Sướng nhé. Báo hiếu đây! Nhưng… con tim anh đang có những 4 cái sten đặt trong người cơ mà. Ổn không?”. “Cũng lo. Nhưng nó bảo nếu bố có mệnh hệ gì ở Thụy Điển, vợ chồng chị con ở Đức bay sang được ngay. Còn hơn ở nhà còn có đứa con nào đâu. Nghe có lý. Đi!” Năm nào anh chị cũng đi chơi 6 tháng. Khi ở Đức. Khi ở Thụy Điển. Mà đã tới hai nơi này là có thể đi chơi khắp châu Âu như di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác ở Việt Nam. Anh chị có hai con gái và trai, chúng đều có gia đình và sinh con ở nước ngoài. Tôi biết, những năm nuôi chúng ăn học thời bao cấp thật khó khăn.

Một người chú vợ tôi có hàm cán bộ cấp cao ngoại giao đã nghỉ hưu. Được tin chú ốm. Muốn thăm. Con trai chú nói chú đang ở Trung tâm dưỡng lão: “Bố ốm quá. Chúng em bận công việc không chăm sóc chu toàn được. Đưa bố sang đấy. Bố cũng muốn thế. Hằng tuần vợ chồng em sang thăm bố!” Con trai chú là một nhân vật của tình yêu chung thủy với một cô gái Triều Tiên suốt 20 năm kể từ ngày anh học tập ở bên đó mà báo chí Việt Nam đã ngợi ca cho tới ngày họ cưới được nhau. Giờ, anh lại báo hiếu bố tại Trung tâm dưỡng lão chất lượng cao mà mức phí tới 8,5 triệu đồng một tháng. Cố gắng hết mình cho bố khi đau yếu.

Nhà văn Lý Biên Cương, bạn tôi, từ Quảng Ninh lên ốm ròng rã gần năm trời ở bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội. Con gái anh bận công việc ở Bộ Giáo dục – Đào tạo, hằng ngày nấu hai bữa ăn ngon thậm chí phải nghiền nát mang vào bệnh viện cho bố hai lần trưa – chiều. Còn việc chăm sóc thường xuyên ở bệnh viện con gái anh đành phải thuê người giúp việc với mức công 4 – 5 triệu đồng một tháng.

Một giáo sư nghỉ hưu 66 tuổi mà tôi quen, lại không thuê người giúp việc, muốn tự tay mình chăm sóc bố già ở tuổi 102 “ăn khó - bài tiết dễ” tại nhà, mà cụ từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trong chuyến du lịch châu Âu mới rồi, tôi đi cùng gần hai chục bà ở độ tuổi 70 và hơn, được con cháu đặt vé du lịch trọn gói mời các bà mẹ đi chơi xả láng cuộc đời cho biết đó biết đây, lại còn phong bao để các cụ tiêu xài thoải mái.

Lại có một Teen gái dừng thi vào đại học từ Phú Thọ xuống Hà Nội giúp việc gia đình cho con gái tôi, lấy mỗi tháng 1,8 triệu đồng một tháng gửi về nuôi bố nuôi em ăn học. Mức thu nhập ấy đối với một vùng quê là “thoát nghèo” rồi…

Hiếu kính với mẹ cha thời nay mỗi hoàn cảnh thể hiện mỗi kiểu. Nhưng cùng có chung nhận thức “Công cha – Nghĩa mẹ” cần báo đền.

Ấy vậy mà không phải tất cả là thế. Một trường hợp tôi biết. Có cụ ông ngoài 90 tuổi, có tới 6 đứa con trai gái, dưới bóng cụ hàm thứ trưởng, được học hành thành đạt kinh tế nay ở mức giàu sang. Vậy mà họ chia nhau thời gian mỗi cặp vợ chồng chăm sóc cụ hai tháng, mặc dù lương hưu của cụ gần 9 triệu, lại có một sổ tiết kiệm hơn một tỷ đồng, chưa phải nhờ cậy đứa nào nuôi. Có lẽ phải ở cùng một người bố chưa ốm đau liệt giường nhưng có thể lẫn và nghễnh ngãng, họ không muốn. Mất vui. Đến nỗi ngày cuối cùng của hai tháng đầu, gia đình chú hai làm bữa ăn thịnh soạn có nhời: “Vợ chồng con rất lấy làm tiếc không giữ bố ở với chúng con lâu hơn. Sợ vợ chồng cô ba tị. ”Rồi ngày cuối cùng của hai tháng sau, cô ba hớn hở chạy từ ngoài vào nhà khoe: “Con mượn được chiếc xe con Lexus ngày mai đưa bố về bên anh Tư. Vậy là không phải thuê taxi!”. Đuổi khéo đến thế là đỉnh cao của sự đuổi. Cuối cùng cụ dừng chân ở nhà cô út phận nhỏ nên nghèo, nhưng trung hậu.

Hiếu kính mẹ cha, là một trong “tứ quý phẩm chất” “Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa” của người Việt từ xa xưa. Mà nay, nó vẫn được coi là “Chân dung tâm hồn Việt”. Chỉ khác là nó được thể hiện theo phương cách hiện đại.

Nếu như ngày xưa 90% dân Việt có cách sống làng ấp, lao động thuần nông, gia đình là “đại gia đình” dòng tộc bốn năm thế hệ, thì khi về già bố mẹ, ông bà phải dựa vào con cháu hoàn toàn từ kinh tế đến chăm sóc sức khỏe là điều các bậc cha mẹ cầu mong. Và văn học dân gian luôn đề cao những người trai hiếu thuận, dâu thảo hiền với mẹ cha mà thời ấy chỉ ở mức “cơm dẻo canh ngọt”. Những đứa cháu hiếu kính thuốc thang nâng giấc bà khi đau yếu hoặc dắt bà đi chơi. Người nhỏ làm việc hiếu kính nhỏ.

Gần nửa thế kỷ qua, bản đồ kinh tế xã hội đã thay đổi. Lực lượng lao động cũng có cơ cấu khác, mà 50 - 60% là công chức viên chức, làm công ăn lương có phúc lợi xã hội tuy là tối thiểu, và “báo hiếu phụng dưỡng” mẹ cha cũng được đặt ra tư duy thực tiễn hơn ngày xưa. Và áp lực công việc ngày nay dù là công chức hay viên chức không còn “đủng đỉnh” như thời bao cấp.

Cứ xem các con tôi, đi sớm về muộn phải nhờ bố mẹ đón cháu tan trường. Chúng còn phải chợ búa lo bữa ăn chiều. Còn tắm rửa cho trẻ. Ăn xong lại vào góc học tập hướng dẫn con làm bài, chuẩn bị bài cho ngày học hôm sau cho chúng nữa. Bố mẹ cũng còn cần đi học thêm, học nâng cao. Đấy là chưa kể các chuyến đi công tác dài ngày qua đêm. Qũy thời gian eo hẹp ấy dù muốn chăm sóc bố mẹ cũng phải xoay xỏa. Nhiều gia đình trẻ thậm chí còn có cả ông bà già hơn.

“Bố mẹ cậu còn khỏe không?”

“Khỏe! Hằng ngày còn đi dạo Bờ Hồ một vòng và đánh cầu lông”

“Thế là hạnh phúc rồi. Thế ông bà?”

“Không còn!”

“Hạnh phúc hơn!”

Đó là chân thực. Đạo hiếu đã làm cho các thế hệ sau rất bối rối. Khi mà người ta quan tâm tới người già là “chất lượng sống” chứ không phải là “thọ” trong tình trạng “tồn tại”.

Có một giải pháp cho các gia đình trẻ ngày nay là mượn người giúp việc. Nhu cầu quá lớn nên người giúp việc thời điểm này đang “cháy hàng”. Giá thuê tăng lên theo thời bão giá như mặc định.

Bố mẹ còn khỏe mạnh là điều hạnh phúc nhất. Ở khu vực đô thị, qua theo dõi sổ lương hưu ở phường tôi cư trú, thì lương trung bình từ 2 triệu đến 3 triệu đồng một tháng. Số cán bộ từng làm trưởng phòng trưởng ban các sở - ngành thành phố là trên 3 triệu. Cấp vụ, cấp tá công an, quân đội thì 5 – 6 triệu. Không nhiều. Lớp người cao tuổi này còn khỏe mạnh lo ăn không quan trọng nhưng để họ sống vui sống khỏe với con cháu mới là mối quan tâm hàng đầu. Con cháu gắng làm tốt việc này mặc dù không phải bậc cha mẹ nào cũng độ lượng bao dung bởi tuổi tác đã làm họ trở nên trái nết trái tính cần chấp nhận. Đã có giai thoại về một lời điếu tang lễ một cụ bà 96 tuổi có câu: “Hu hu! Sao cụ vội vã ra đi mà không ở lại hành hạ cháu con!”

Người ngoài còn coi “Lời chào cao hơn mâm cỗ” huống chi với bố mẹ mình thì trong đạo hiếu càng phải là cao hơn lời chào. Các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tốt đến đâu vẫn chỉ là dịch vụ. Không thể khỏa lấp được quan niệm của người Việt về tình cảm, tình cảm của huyết hệ.

Nói rộng là để khi bàn tới việc tổ chức các cơ sở dưỡng lão chúng ta có thể nhìn sâu và xa nhiều khía cạnh.

Trong xã hội ngày nay cuộc sống bộn bề công việc, bộn bề lo toan, bộn bề tham vọng, mà tuổi thọ trung bình ở nước ta hiện đang nâng lên ở mức trên “lão” khá cao. Xã hội học gọi đó là “dân số già”. Thì mô hình Nhà dưỡng lão cho người già “cô đơn không nơi nương tựa” không còn phù hợp. Nó cần trở thành các Trung tâm dưỡng lão cho cả người già “không cô đơn và có nơi nương tựa”.

Khái niệm về nhà dưỡng lão có trong tôi từ thời học trung học khi nói về tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội mà ở Liên Xô đã có, giống như trẻ đến tuổi là có trường cho chúng học. Sau đó rất lâu ở nước ta mới có một số nhà dưỡng lão được xây dựng từ phúc lợi xã hội cũng mới chỉ dành cho người già cô đơn và không nơi nương tựa nhưng không nhiều. Và chắc sẽ không bao giờ có các nhà dưỡng lão chất lượng cao không chỉ nuôi mà còn phải đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe với trang thiết bị y tế tương đương một cơ sở điều dưỡng tuyến ba.

Các nhà đầu tư ngày nay đã sớm nhận ra khoảng trống này, và có những dự án đầu tư vào xây dựng những Trung tâm dưỡng lão chất lượng cao, giống như sự mở ra những bệnh viện chất lượng cao, trường học chất lượng cao mà nhu cầu xã hội đang cần, trong mô hình mà ngày nay người ta rất hay dùng, đó là “Xã hội hóa”.

Nhưng, các Trung tâm nuôi dưỡng người già, lại không giống các bệnh viện và trường học. Nơi đây là mái nhà chung mà những đối tượng đòi hỏi nhiều thứ, mà thứ cần nhất lại thuộc về mối quan hệ tương tác của một gia đình. Nó liên quan tới phẩm chất “hiếu kính” của thế hệ con cái.

Tuổi già đến với Trung tâm dưỡng lão có hai loại: Chủ động và Thụ động. Ở lớp người chủ động, là những người già không thích nghi được với cách sống “tốc độ chóng mặt” và “âm thanh tưng bừng náo động” của lớp trẻ. Thì Trung tâm dưỡng lão là nơi sống lý tưởng: Thanh bình, yên tĩnh... Cách nay vài năm Trung tâm dưỡng lão đầu tiên có mặt ở Hà Nội đặt ở huyện Từ Liêm. Xem truyền hình giới thiệu, hay quá, giá có 3,5 triệu đồng một tháng. Tôi gọi các con lại cùng xem và dặn: “- Hãy cho bố vào đây!” Các con trố mắt hỏi: “Sao thế ạ?” “Bố thích thế. Ở đó lúc nào cũng có 3 điều dưỡng viên gái săn sóc nắn chân bóp tay!” Các con cười tóe: “Bố có làm sao không đấy? Họ làm phim quảng cáo mà bố!”.

Khoe chuyện này với một bạn thơ trào phúng. Ông cười rất sảng khoái, còn đắc ý khoe di chúc ông để lại cho các con có một nguyện vọng còn “khủng” hơn nữa cơ. Ông dặn không “ký tự thờ vong” ông ở chùa. Mà đặt việc đó ở một quán karaoke nào đó lúc nào cũng có ca hát tưng bừng và điều hòa chạy 24/24 giờ mát mẻ. Ngày giỗ tết không đốt mã biệt thự xe hơi ngựa hoa quần áo sang trọng, mà đốt gửi cho ông một con ca-ve để ông chơi ô ăn quan với ả. Cùng một vũ nữ múa bụng. Ông cho rằng Mao Thi đời Tống nói đúng: Sinh ra đã có tình. Có tình thì ắt có lời. Lời không đủ thì làm thơ. Thơ không đủ thì làm nhạc. Nhạc không đủ thì múa. Múa cao hơn tất cả vì trong múa có tình có thơ có nhạc và có cả ngôn ngữ từ hình thể. Ông làm tôi suýt sặc bia. Cái tình mới là quan trọng nhất.

Cách nay hơn 20 năm chính phủ Pháp đã xây dựng thí điểm một thành phố dành riêng cho người già, bởi người già luôn phàn nàn sống chung với lũ trẻ khó chịu quá vì cách sống khẩn trương và âm nhạc chúng dùng mở hết chiết áp. Nửa năm đầu các cụ cảm thấy yên bình như thiên đường. Rồi sau đó các cụ hoang mang bởi ngày nào cũng có một đám tang mà vắng hẳn một đám cưới. Thiếu vắng những tiếng gọi “ba ơi!”, “mẹ ơi!”, “ông ơi!”, “bà ơi!”. Giữa năm rồi qua Pháp, chị Mimi hướng dẫn viên du lịch cho tôi hay, các Trung tâm dưỡng lão đã “xã hội hóa” bằng những hoạt động hằng tuần có các đoàn tới thăm quan, học sinh các trường tiểu học đến chơi đùa với các cụ, các nhà hát đưa diễn viên đến múa hát và diễn kịch, các người đẹp đến trình diễn thời trang, và các đám cưới tập thể kéo nhau đến đây tổ chức như một điều lành được các bậc cao niên chúc phúc… Chẳng xa cách mấy với ngoài đời và gia đình. Xem trên phim Hàn Quốc người ta cũng làm như thế với các Trung tâm dưỡng lão ở nước họ.

Còn lớp người già đến với Trung tâm dưỡng lão thụ động, nuôi đã đành mà đa phần cần chăm sóc y tế, bởi họ ở độ tuổi “bệnh tật đầy mình”. Các trung tâm dưỡng lão cần được trang bị một hệ thống trang thiết bị y tế cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên chuyên nghiệp tương đương một bệnh viện tuyến hai. Những tiêu chuẩn ấy chắc chắn sẽ làm nên sự hấp dẫn tuyệt vời với những người cao tuổi ngày nay. Và những Trung tâm dưỡng lão như vậy sẽ trở thành mối quan tâm đặc biệt của xã hội.

Ngoài ý nghĩa xã hội, nói cho cùng thì xây dựng những Trung tâm dưỡng lão cũng là một hình thức đầu tư, làm kinh tế. Khác biệt chỉ là nhà đầu tư có hiểu hết tâm lý người già và quan tâm tới những thứ mà người già quan tâm.

Chúng ta cần tâm niệm một câu: “Hôm nay ta trẻ. Ngày mai ta già”, sẽ cho ta biết ta cần phải làm những gì cho hôm nay, và cho ta biết phải chuẩn bị những gì cho ngày mai.

Ông bạn thơ trào phúng của tôi thích múa. Múa là im lặng. Chỉ có sự im lặng mênh mông mới không xúc phạm tới chân lý. Bây giờ ta mở mồm ra là xúc phạm tới chân lý.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2