Lượt thăm:240906940   Đang Online: 770

Số lượt xem: 6642
Gửi lúc 14:06' 29/01/2012
Lên đồng
Phần 1 :  Lên đồng - Văn hóa hay dị đoan

Cứ vào dịp lễ hội, hình thức lên đồng hay còn gọi là hầu đồng lại diễn ra một cách rôm rả. Tuy nhiên, theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, cần phải phổ biến rộng rãi vấn đề lên đồng tới công chúng để mọi người hiểu rõ hơn để tránh tình trạng lợi dụng để thu lợi bất chính.

Lên đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian, rất phổ biến ở Việt Nam, châu Á và nhiều nước trên thế giới. Một số nước đã ghi nhận giá trị của hình thức tín ngưỡng dân gian này là di sản văn hóa phi vật thể như Kut ở Hàn Quốc, Shaman ở Indonesia và Shaman ở Mông Cổ. Lên đồng của Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, đã được nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế nghiên cứu, giới thiệu và bảo tồn.

Bảo tàng sống của văn hóa Việt

“Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu”, TS Frank Proschan, nói.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng dân gian, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia và là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, thì việc lên đồng hiện nay rất phổ biến ở Việt Nam và ngày càng phát triển mạnh. Lên đồng là bảo tàng sống của văn hóa Việt. Hình thức diễn xướng của lên đồng tích hợp những giá trị văn hóa rất lớn. Đây không phải là một tín ngưỡng độc lập mà là một nghi lễ của Đạo Mẫu của Việt Nam”. 


Một buổi lên đồng.

Cũng theo vị GS này, lên đồng còn được xem là thứ hiện sinh. Đạo Mẫu và lên đồng thể hiện quan điểm về nhân sinh quan gắn với dân tộc. Đây là thứ tín ngưỡng thể hiện chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Tất cả các vị thần trong đạo Mẫu đều được lịch sử hóa. Đặc biệt, lên đồng còn có giá trị tri thức và là một hình thức chữa bệnh.

Có thể khẳng định, lên đồng ở Việt Nam là một di sản văn hóa phi vật thể rất đặc biệt. Theo GS Thịnh, trước đây đã có nhiều bạn bè quốc tế khuyên ông đưa lên đồng trình UNESCO và chắc chắn sẽ được công nhận, vì sự lôi cuốn của nó không kém những cái được công nhận thậm chí còn hơn. “Mặc dù vậy, tôi cho rằng chưa nên đưa lên đồng trình UNESCO, vì sự đồng thuận trong xã hội chưa nhiều. Mọi người hiểu về hầu đồng chưa rõ và còn bị lợi dụng nhiều và làm biến dạng. Phải khi nào người dân đồng thuận, quốc tế đồng thuận mới tốt được”, GS Thịnh cho biết.

Lên đồng có thể chữa được bệnh?

Hiện nay, bên cạnh hình thức lên theo đúng truyền thống, vẫn còn không ít những người lợi dụng hình thức này để thu lời bất chính. Không những thế, nhiều người khẳng định lên đồng có thể chữa được bệnh. Về vấn đề này, GS Thịnh khẳng định là đúng. Bởi chính ông đã có những nghiên cứu và thống kê. “Những trường hợp tôi đã thống kê, những người có căn số thường điên loạn, ốm đau không có chỗ nào chữa khỏi và sau khi lên đồng 100% đã khỏi. Tôi đã viết hẳn một chương trong cuốn sách Lên đồng để chứng minh điều đó hoàn toàn đúng, không có gì mê tín dị đoan. Tôi gọi lên đồng là cách họ tái hòa nhập với cộng đồng như một con người trong cộng đồng. Cấm lên đồng là một sai lầm”, GS Thịnh, cho biết.

Tuy nhiên, theo GS Thịnh, trong nghi lễ lên đồng, có người tốn rất nhiều tiền nhưng cũng có người tốn rất ít. Có những người lên đồng một buổi chỉ mất vài triệu đồng thôi nhưng có những người mất hàng trăm triệu đồng. Đó là quyền của mỗi người. Cái quan trọng là vận động sao cho người tham gia lên đồng có ý thức để không phung phí.

“Còn trong chuyện lợi dụng lên đồng để làm giàu, chúng ta cần uốn nắn, hạn chế. Chẳng hạn, có một bà đi buôn, đến hầu đồng có thể sẵn sàng bỏ ra 10 triệu để phát lộc, nhưng ngày mai tới mua hàng bà ấy lại tính toán từng xu, đó là tính cách của mỗi người”, ông Thịnh cho biết thêm.


Phần 2 :  Lên đồng 'tái sinh' 50 vị thánh thần

“Trong lên đồng, các vị anh hùng lịch sử nhập vào thân xác của những ông đồng, bà đồng và họ được sống lại bằng xương bằng thịt…”.

Lên đồng - bảo tàng sống của Văn hóa Việt là tiêu đề của một buổi hội thảo vừa diễn tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) chiều tối ngày 23/2. Tại hội thảo, giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã diễn giải những góc nhìn mới lạ về bản chất của lên đồng với tư cách là một loại hình nghi thức tín ngưỡng đang gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.

Hiểu thế nào về về lên đồng?

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, muốn hiểu về lên đồng thì trước tiên phải hiểu về đạo Mẫu của người Việt. Bản thân đạo Mẫu lại là một vấn đề hết sức rộng lớn và phức tạp.

Hiểu một cách khái lược, đạo Mẫu là sự tôn thờ Thánh Mẫu theo quan niệm đây là người cai quản các miền khác nhau của vũ trụ và có thể che chở cũng như ban phát cho con người sức khỏe, tài lộc. Đạo Mẫu khác với nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác ở Việt Nam ở chỗ, đạo này không hướng con người về một thế giới sau khi chết, mà hướng đến đời sống trần tục ở nhân gian.

Bên cạnh đó, đạo Mẫu là một tín ngưỡng đa thần, với trên dưới 50 vị thần được phân thành các hang bậc từ cao xuống thấp. Vị thần cao nhất là Thánh Mẫu, dưới Thánh Mẫu có hàng Quan, hàng Ông Chầu, hàng Ông Hoàng, hàng Cô, hàng Cậu… Các vị thần cũng được phân theo 4 phủ, được biểu tượng bằng 4 màu khác nhau: Thiên phủ màu đỏ, Địa phủ màu vàng, Thượng ngàn màu xanh...


Lên đồng là một loại hình nghi thức tín ngưỡng đang gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.

Lên đồng chính là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thần này vào thân xác của các ông đồng, bà đồng. Lúc đó họ không còn là mình nữa mà trở thành hiện thân của các vị thần linh trong một màn diễn xướng vô cùng đặc sắc với sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như hát, múa và cả điêu khắc, hội họa…

Trên khía cạnh tôn giáo, lên đồng được coi là một trong những hình thức Shaman (xuất nhập hồn) giáo trên thế giới. Shaman giáo là hiện tượng tâm linh phổ quát của rất nhiều dân tộc trên thế giới, điển hình là ở vùng Siberi Mông Cổ. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc…cũng có hình thức tín ngưỡng tương tự lên đồng nhưng có nhiều khác biệt so với lên đồng của Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước trong lên đồng

Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, đạo Mẫu và lên đồng ẩn chứa nhiều giá trị đối với đời sống tinh thần người Việt ngày nay. Trong đó, có một giá trị rất đặc biệt được giáo sư nhấn mạnh, đó là sự thể hiện chủ nghĩa yêu nước trong diễn xướng lên đồng.

Điều này thể hiện trước hết ở chỗ, khoảng 50 vị thần trong đạo Mẫu phần lớn đều đã được lịch sử hóa, trở thành những nhân vật có công với nước. Đó là những nhân vật lịch sử có thật như Phạm Ngũ Lão, Đức Thánh Trần, Yết Kiêu, Dã Tượng, bà Bát Nàn và nhiều vị khác. Nói một cách khác, những nhân vật lịch sử đó đã được thần thánh hóa.


Diễn xướng lên đồng là sự tái hiện các nhân vật lịch sử.

Trong diễn xướng lên đồng, sự tái hiện của các vị thần linh cũng chính là sự tái hiện các nhân vật lịch sử kể trên. Trong màn diễn xướng này, các vị anh hùng lịch sử nhập vào thân xác của những ông đồng, bà đồng và được sống lại bằng xương bằng thịt với những hành động, bằng những trang phục đặc trưng.

Bởi vậy, có thể nói, đạo Mẫu chính và diễn xướng lên đồng là biểu hiện của một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa và trở thành tín ngưỡng. Việc tôn thờ những vị thần trong đạo Mẫu chính là tôn thờ chủ nghĩa yêu nước của người Việt. Một chủ nghĩa yêu nước như vậy là rất sâu sắc.

Lên đồng và tinh thần hòa hợp dân tộc

Bên cạnh chủ nghĩa yêu nước, một giá trị khác không kém phần quan trọng của diễn xướng lên đồng là tinh thần hòa hợp dân tộc.

Tinh thần này thể hiện ở sự tích hợp văn hóa, với sự xuất hiện dấu ấn văn hóa của các dân tộc thiểu số trong lên đồng. Đó là các vị thần có nguồn gốc từ các dân tộc miền núi như những vị hàng Chầu, hàng Quan… Đặc biệt thú vị là khi các vị đó giáng đồng vào các ông đồng bà đồng thì từ ăn mặc đến âm nhạc, đến nhảy múa là sự tái hiện lại văn hóa của dân tộc đó. Vì vậy, khi xem lên đồng chúng ta không chỉ thấy được văn nhóa của người Kinh mà còn cả văn hóa của các dân tộc khác.

Có thể khẳng định rằng không có một tín ngưỡng nào của người Việt lại tôn thờ các vị thần thuộc nhiều dân tộc khác nhau như đạo Mẫu. Điều này cho thấy sự bình đẳng trong quan niệm tín ngưỡng, không có sự phân biệt dân tộc lớn, dân tộc nhỏ trong đạo Mẫu.

Đây là sự phản ánh tinh thần cố kết, gắn bó của các dân tộc trong lãnh thổ Việt Nam trước kia trên bình diện tâm linh, một vốn quý mà người Việt Nam ngày nay cần vun đắp để góp phần phát huy tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh kết luận: “Bản chất của lên đồng là tốt đẹp và không phải là một hoạt động mê tín dị đoan. Vấn đề là một số người đã lợi dụng lên đồng để mưu cầu một số điều không tốt. Không một tôn giáo hay tín ngưỡng nào dạy con người làm điều xấu cả, chỉ có con người lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để làm điều xấu mà thôi… Việc chúng ta cần làm là gạn đục khơi trong, thanh lọc để lên đồng luôn là một hiện tượng lành mạnh như cha ông, tổ tiên của chúng ta đã làm”.


Phần 3 :  Thế giới 'phấn hoa' của những hầu đồng


Một giá đồng có trang phục đẹp sẽ giúp người hầu đồng thêm thăng hoa, trình diễn đẹp hơn và khiến người tham dự thêm hưng phấn...

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Viêt, có lịch sử lâu đời. Trong tín ngưỡng này, dân gian tin rằng Mẫu là vị thần tối cao được hóa thân thành Tứ vị Thánh mẫu: Mẫu thiên, Mẫu địa, Mẫu thoải, Mẫu thượng ngàn để cai quản bốn vùng trời đất. Mẫu được thờ ở nhiều nơi, từ đền cao phủ lớn đến điện tư gia kết hợp với các vị thánh ở mỗi miền khác nhau.

Những người theo Mẫu tâm niệm Mẫu là mẹ của mọi người, luôn che chở, phù hộ cho con người gặp nhiều thuận lợi để vượt qua thiên tai, vận hạn, bệnh tật... đem đến cho họ cuộc sống bình yên, sung túc. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội và được thực hành ở khắp các vùng miền trong cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đây là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội.

Nhằm đem tới những khám phá thú vị về tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) đã giới thiệu nhiều hiện vật về tín ngưỡng thờ này cùng nghi lễ hầu đồng – hình thức diễn xướng độc đáo của nó. Sự kiện này được coi là một bước phát triển mới trong quá trình đánh giá và nhìn nhận hầu đồng khi lần đầu tiên xuất hiện chính thức tại một địa chỉ văn hóa quốc gia.


Trong quan niệm của đạo Mẫu, Mẫu ngự trên ban thờ, nơi người dân đến dâng lễ, xin lộc. Ban thờ luôn giữ được sự sạch sẽ, tôn nghiêm. Chiếu hầu trước ban thờ là nơi ông đồng, bà đồng tổ chức các vấn hấu - nghi lễ chính của tín ngưỡng thờ Mẫu. Trên cửa võng có hàng chữ "Mẫu nghi thiên hạ" (Mẹ của muôn dân).



Trước mỗi buổi lễ, ban thờ được trang trí rất đẹp với nhiều mâm lễ, đồ lễ và hoa. Trong 3 bức tượng trên ban thờ, bức bên trái là tượng Mẫu Đệ Nhị (Mẫu Thượng Ngàn), bức giữa là tượng Mẫu Đệ Nhất (Mẫu Thiên), bức bên phải là tượng Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải). Bàn loan phía dưới dùng để nước, rượu dâng Thánh và để Thánh ngắm mình khi về ngự.



Trong nghi lễ hầu đồng, trang phục là dấu hiệu quan trọng để nhận biết các giá đồng ứng với từng vị Thánh. Một giá đồng có trang phục đẹp sẽ giúp người hầu đồng thêm thăng hoa, trình diễn đẹp hơn và khiến người tham dự thêm hưng phấn.



Cô Bé Thượng Ngàn là con út của mẫu Thượng Ngàn. Sắc phục màu xanh tượng trưng cho Nhạc Phủ. Khi giáng đồng Cô Bé thường ban phát lộc, đôi khi cũng làm thuốc chữa bệnh cho người dân.



Ông Hoàng Mười sắc phục màu vàng tượng trưng cho Địa Phủ. Tương truyền, Ngài là vị tướng thời Lê có nhiều công trạng, văn võ song toàn được dân tôn là Thánh. Mọi người thường cầu xin Ngài ban cho trí tuệ, công danh. ngài thường xuất hiện ở các giá hầu đồng với dung mạo khôi ngô, tuấn Kiệt.



Chầu đệ tam được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Tam. Khăn áo màu trắng tượng trưng cho Thoải Phủ. Ngài có tâm trong sáng nhưng ít giáng đồng vì sự tích buồn do bị hàm oan.



Nhu cầu của hầu đồng đã sinh ra nghề làm trang phục hầu đồng. Làng Hoàng Xá, Thường Tín, Hà Nội có gần chục cơ sở sản xuất khăn áo phục vụ hầu đồng, thu hút nhiều lao động địa phương và các vùng lân cận. Một số công nhân làm việc tại xưởng, nhưng đa số nhận gia công tại nhà. Thu nhập bình quân mỗi người khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Các xưởng sản xuất thường làm theo đơn đặt hàng, bên cạnh đó họ còn sáng tạo nhiều mẫu mã mới để đáp ứng yêu cầu khách hàng.



Người thực hiện các giá hầu đồng sử dụng rất nhiều loại trang sức khác nhau, được gia cồng tinh xảo như thẻ bài dùng trong các giá Quan, cù ngọc dùng trong các giá Quan, giá Hoàng, các loại vòng dùng trong các giá Chầu, giá Cô...



Hát văn là lễ nhạc chầu Thánh, có vai trò quan trọng trong lễ hẫu đồng. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát văn làm cho không khí buổi lễ sống động. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu kéo dài từ 4 - 8 tiếng. Bộ dụng cụ hát văn ngày nay gồm những nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt, đàn tranh, trống ban, trống cái, phách, đàn nhị, thanh la, não bạt, cành đôi, sáo và cả những thiết bị hiện đại như micro, amply, loa...



Đồ mã hiến tế cho các giá hầu đồng rất phong phú về chủng loại, mẫu mã, lấy cảm hứng từ các bức tượng mẫu, hoa văn rồng, phượng tại các ngôi đền.



Đối với những người đi lễ, lộc được hiểu theo nhiều cách khác nhau là: sức khỏe, tiền tài, làm ăn phát đạt, sự thịnh vượng... do thánh ban. Lễ vật dâng lên Thánh, được Thánh chứng và ban phát cho những người đi lễ cũng gọi là lộc. Người nhận được lộc tin rằng học sẽ gặp may mắn trong cuộc sống. Vì vậy, ai cũng cố gắng xin được càng nhiều lộc càng tốt.


Là một tín ngưỡng mang tính tâm linh của dân tộc, song thời gian gần đây, tục thờ Mẫu, hầu đồng đã bị nhiều người thương mại hóa, ảnh hưởng xấu tới những giá trị tốt đẹp vốn có. Trong các giá hầu, nhiều người lợi dụng việc hầu đồng để mua thần, bán thánh hay việc người dự hầu sử dụng quá nhiều vàng mã, đồ lễ hay tiền bạc... gây lãng phí và làm xấu đi giá trị thực chất của việc hầu đồng.







Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2