Lượt thăm:239933510   Đang Online: 640

Số lượt xem: 27221
Gửi lúc 08:53' 09/07/2012
Thần giữ của - Huyền thoại và Sự thật
Những câu chuyện về thần giữ của được lưu truyền khá rộng rãi trong dân gian và cả thời hiện tại, nhưng cách thức để lập nên "vị thần" này vẫn còn là sự bí ẩn. Được sự giúp đỡ của một số chuyên gia, chúng tôi đã có được những thông tin cơ bản.


Phần 1 : Trinh nữ bị chôn sống làm " Thần giữ của "


Đó là một thủ đoạn vô cùng tàn nhẫn: Cô gái bị chôn sống trong hầm mộ, miệng ngậm sâm, sau 100 ngày chết đi, hồn ma canh giữ kho báu.

Những quy tắc kì dị
 
Với số lượng tài sản khá lớn chôn theo thần giữ của bắt buộc những người có nhu cầu chôn cất phải đặc biệt cẩn thận trong từng khâu lựa chọn và chuẩn bị cho quá trình diễn ra của một buổi lễ cũng như thời gian về sau. Thứ nhất, gia chủ phải biết lựa chọn một thầy phù thủy cao tay. Thầy phù thủy này phải am tường về thiên văn, lịch, pháp thuật, kinh dịch, thậm chí phải giỏi cả nghề thuốc. Đặc biệt thầy phù thủy phải là người mà gia chủ có thể tin cậy để giao phó số tài sản lớn kể trên.
 
 Để thành lập được một hầm mộ giữ của, khi thầy phù thủy đã bắt tay hợp tác với gia chủ, điều đầu tiên họ sẽ cùng phải bàn bạc là tìm được một mảnh đất tốt để chôn giấu của. Mảnh đất này phải hợp với tuổi của gia chủ và phải có vận chuẩn trong một thời gian tương đối.


 


Một thầy phù thuỷ đang làm phép thuật.

Thường, người ta sẽ tính ra vận 6, vận 7, vận 8, nghĩa là trong vòng 60-70-80 năm sau, mảnh đất đó sẽ không có sự thay đổi. Nếu sau thời gian đó, đám đất đã được chuyển sang một vận khác thì năng lực của thần giữ của cũng không thể còn nguyên. Thầy phù thủy cao tay, thậm chí có thể tính được lần lượt các vận của đất ấy liên tiếp cho đến khi con cháu của gia chủ có thể đến nhận về hàng trăm năm sau.
 
Khi chọn được đám đất phù hợp, các thầy nghĩ tiếp tới chọn địa điểm để chôn giấu của trong đám đất đó. Tất cả các địa điểm này đều phải có một dấu hiệu đặc trưng. Người ta thường chọn bóng cây, bóng núi, sông để làm dấu. Ví dụ, từ địa điểm chôn cất đến ngọn núi gần nhất là bao nhiêu km, núi có tạo hình dễ nhận biết là gì? Vào giờ này, ngày này, tháng này, năm này thì sẽ nắng hay mưa, bóng của ngọn núi đổ đến đâu, bóng của cái cây theo hướng nào, đi thêm bao nhiêu thước về hướng nào sẽ đến chỗ chôn giấu của. Người lập nên lời nguyền và người đến hóa giải phải nắm chính xác chiếc "chìa khóa" này.
 
Nguyên tắc làm dấu trong Kinh dịch được gọi là quẻ thời tiết. Người ta lấy ngày, giờ, tháng, năm cộng lại thành một quẻ. Ví dụ trong quẻ có 6 hào, 2 quẻ phong, một quẻ lôi hoặc 3 quẻ khảm thì chắc chắn ngày hôm đó sẽ mưa. Trước kia, Khổng Minh lập đàn cầu mưa cũng là dựa trên nguyên tắc đó mà ra.

Khi đi chôn của, người ta hay chọn ban đêm, vừa để tránh được sự tò mò của người đời, mặt khác lại có bóng trăng để làm dấu rất đặc trưng, phần khác là để thuận lợi hơn cho người đời sau đến lấy của. Người giấu của vào một thời điểm nhất định trong năm thì người đi lấy về cũng phải lấy chính xác thời điểm đó. Chôn ngày 14 thì phải lấy đúng ngày 14, nếu lệch đi 1 ngày, một giờ thì bóng cây, bóng núi đã bị dịch chuyển sang một địa điểm khác. 

Khi đã chọn được địa điểm và phương thức đánh dấu, việc xây dựng hầm mộ bắt đầu được tiến hành. Không phải ở đâu, thần cũng được chôn cùng với của, có khi ở cách đó một đoạn nhưng vẫn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của thần. Theo quan niệm, khi động thổ, gia chủ và thầy phù thủy đều phải làm một cái lễ để xin phép thổ quan cho phép thần có quyền hành ngăn cản những ai có ý định xâm phạm tới mảnh đất đó trong thời gian thi hành nhiệm vụ.
 
Không có quy tắc nào chung trong việc xây dựng hầm mộ. Cách thức sẽ tùy thuộc vào nguồn gốc, truyền thống cũng như trình độ của thầy phù thủy. Sự đa dạng này cũng là một cách để ngăn chặn việc hóa giải lời nguyền của những kẻ bên ngoài.
 
Thủ đoạn tàn nhẫn
 
Theo quan niệm xưa, những người chết trẻ thường rất thiêng, nên đối tượng được lựa chọn để làm thần giữ của là những cô gái trẻ, độ tuổi 13 đến 18, cũng có khi từ 9 đến 19 tuổi nhưng không vượt quá 20. Những cô gái này phải còn trinh để đảm bảo độ tinh khiết của thần. Thần càng tinh khiết thì mức độ linh thiêng càng cao.
 
Người ta thường chọn mua con gái của những gia đình khó khăn. Khi đi mua, họ sẽ có những cách bí mật để kiểm tra cô gái còn nguyên trinh hay không. Nhiều gia chủ đi mua con gái dưới danh nghĩa mua vợ lẽ, vô tình đã gây ra sự nghi ngờ đối với thân nhân cô gái khi một thời gian trôi qua vẫn không chịu động phòng. Vì vậy mới có sự đề phòng cẩn thận bằng những túi hạt vừng, đỗ, như chúng tôi đã nêu ở kỳ trước.
 
Cô gái sau khi được mua về, chỉ trong thời gian ngắn (chỉ cách  mấy ngày trước khi nhập quan) sẽ được chăm sóc đặc biệt. Cô gái được cho ở một chỗ riêng, tránh không tiếp xúc với đàn ông để không bị ô uế, được tắm rửa sạch sẽ, có khi bằng dầu thơm, ăn những đồ chay tịnh.


 



Cô gái chỉ là một chiếc cầu dẫn đi vào kho báu nên không quan trọng về địa vị xuất thân và tuổi tác cũng như căn mệnh. Cũng có những gia chủ thích chọn những cô gái xinh đẹp, trắng trẻo theo sở thích của mình nhưng điều này không ảnh hưởng tới năng lực của thần. Nếu có, chỉ là ở việc những người con gái trẻ đẹp khi bị chết oan như vậy thì nỗi uất ức càng lớn sẽ càng thiêng hơn (!?).

Vào đêm nhập quan, cô gái được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp và đưa lên kiệu dẫn đến hầm mộ. Để tránh sự vùng vẫy của các cô gây nên sự tò mò với những người xung quanh, người ta sẽ cho các cô uống một loại thuốc an thần. Vào thời điểm thầy phù thủy bắt đầu làm phép thì cô gái bị đẩy vào hầm mộ, được đặt cẩn thận trong quan tài và cho ngậm sâm hoặc ngọc. Sự tính toán của thầy phù thủy sẽ đảm bảo cô gái sống được 100 ngày mà không cần phải ăn uống gì. Sau 100 ngày, tác dụng của sâm hoặc ngọc sẽ hết, cô gái sẽ chết, lúc này cô mới thực sự biến thành thần.

Khi đã biến thành thần thì dù người thân, cha mẹ của cô gái động chạm vào miếng đất mà mình canh giữ cũng không được. Chỉ những ai có được lời hóa giải, khi bước chân vào vùng đất đó, nhẩm lên cho thần nghe thì thần mới cho vào. Nếu ai vô tình lấy được kho báu, thần cũng sẽ theo tới cùng, đến lúc nào "trả lại" thì thôi.

Trên đây, chúng tôi đã có những kiến giải cơ bản bước đầu về việc lập nên một thần giữ của. Trong kỳ sau, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề quan trọng nhất về bùa phép để tạo nên thần giữ của, cách hóa giải  và ý kiến của các nhà khoa học xung quanh vấn đề này.


Phần 2 : Giải mã bí ẩn của " Thần giữ của "

Từ xưa, trên khắp thế giới từ Hi Lạp, Mông Cổ, ấn Độ, Trung Hoa,... cho tới Việt Nam đã lưu truyền những câu chuyện ít nhiều mang tính huyễn hoặc về thần giữ của.

Đây là một bộ phận thuộc văn hóa dân gian của các dân tộc, thường đi cùng với câu chuyện về những phù thủy cao tay và những lời phù chú bí ẩn. Đằng sau bức màn huyền ảo của phép thuật được gợi mở lại là những lý giải dựa trên cơ sở khoa học đầy bất ngờ và lý thú.

Cho tới nay, những câu chuyện về thần giữ của còn lưu lại trong dân gian tương đối nhiều. Những lời đồn thổi càng làm tăng tính chất linh thiêng, huyền bí của từng câu chuyện. Những nghi vấn và giả thuyết về thần giữ của với nhiều tầng khác nhau là sức hút kỳ lạ với bất kỳ ai muốn biết về "vị thần" này.


Một hầm mộ được coi là có thần giữ của ở Hà Nam.

Bỗng dưng vớ được kho báu?

"Chợ Chùa trên bến dưới thuyền / Có cây cổ thụ có đền Kim Quy / Đền Kim Quy có cây cổ thụ / Cây cổ thụ có trụ minh đường / Những đêm thanh vắng đoạn trường / Lặng nghe rùa đá nhẹ nhàng qua sông".

Chợ Chùa (chợ Tam Bảo) ở huyện Nam Trực - tỉnh Nam Định hiện nay vẫn còn đền Kim Quy trấn giữ. Tương truyền cách đây hơn 60 năm có một câu chuyện lạ xảy ra. Có hai bà cháu nhà nọ đi phơi đỗ ở sân chùa. Cô cháu gái còn nhỏ tuổi chơi nghịch cứ lấy đỗ đen trộn đỗ đỏ bỏ vào miệng rùa đá trong sân. Nghĩ cháu nghịch ngợm, bà chỉ quát mắng rồi quên đi.

Đến một hôm, bỗng nhiên đứa cháu đang nghịch chơi như mọi khi thì mai rùa nứt ra làm đôi. Người bà nhìn vào sợ quá mới kêu lên: “Con rùa ma!”. Đứa bé ngây thơ không hiểu, gọi bà lại xem, người bà hốt hoảng chạy về nhà, ngã dúi dụi. Đến khi con trai và con dâu trông thấy, tưởng bà bị ma đuổi, lấy dầu cao đánh gió cho một lúc thì bà cụ tỉnh.

Lúc đó bà mới nói: "Không hiểu sao con bé nhà mình phát hiện ra trong con rùa đá có ma". Nói rồi cụ ngất đi. Người con trai không tin, liền ra xem thử thì thấy có vàng nén trong mai rùa. Anh liền báo cho cán bộ địa phương đến xem và xác minh là vàng thật. Phần vàng tìm thấy được coi như của gia đình đứa bé gái nọ. Dân Chợ Chùa lúc ấy mới nhớ tới những câu thơ kể trên như một sự lý giải cho sự việc tình cờ này.

Vùng Nam Định, Quảng Ninh ngày xưa vốn là những vùng cửa biển sầm uất, là nơi thông quan buôn bán giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác. Dân thành Nam ngoài nghề nông ra thì chủ yếu là làm quan và làm thầy, bao gồm cả thầy phù thủy.

Dòng giống những người này hiện nay tuy không còn làm nghề nữa nhưng vẫn là những người có trình độ cao và ít nhiều hiểu biết về kinh dịch, âm dương ngũ hành cũng như phép thuật. Sơ khởi phải tính từ thời Bắc thuộc với hơn ngàn năm, 138 vị thái thú cai trị ở An Nam, rất nhiều người về sau không trở về nguyên quán mà ở lại sinh cơ lập nghiệp, họ sống lẫn lộn với người Việt và các tộc dân Nam Đảo, dần dần tạo nên cộng đồng Bách Việt.

Với trình độ và khả năng của ông cha, những người con cháu ở đây đã tạo riêng cho mình một số vốn liếng khổng lồ. Có tiền, họ bắt đầu nghĩ tới giữ của và tìm cách mị dân để tạo nên khoảng cách an toàn đối với những cư dân còn lại. Sự bí ẩn của phép thuật tạo nên những thầy phong thủy, pháp sư, thầy phù thủy,... nhẹ nhàng hơn là thầy lang, thầy cúng. Đó là nguyên nhân vì sao vùng đất này lại lưu truyền nhiều câu chuyện bùa chú và thần thánh đến vậy.

Trở lại câu chuyện trên bến chợ Chùa. Theo lý giải của các nhà khoa học, nguyên nhân rùa đá nứt ra là do đứa bé trong quá trình nghịch ngợm của mình đã thả đậu vào trong miệng, lăn xuống bụng rùa đá. Đến khi đủ điều kiện về độ ẩm, nhiệt thì các hạt đậu trương ra và nảy mầm tạo nên áp lực khiến rùa đá vỡ đôi, vô tình mà tìm thấy vàng. Câu thơ, câu hát về chợ Chùa và rùa đá không phải là một lời giải mà chỉ là chiếc chìa khóa để bắt đầu đi sâu vào thế giới của tâm linh.

Một câu chuyện khác do ông Hải, hiện đang sống ở phố Kim Hoa, Tây Hồ (Hà Nội) - vốn là con cháu một gia đình có truyền thống buôn bán đồ cổ lâu đời kể lại. Hiện ông Hải không còn kế nghiệp gia đình mà trở thành một dịch giả, chuyên về dịch thuật các vấn đề liên quan tới sách cổ và gia phả các dòng họ. ông Hải kể, từ đời ông nội của ông, gia đình sinh sống ở vùng ý Yên - Nam Định.

Lúc đó vẫn là thời Pháp thuộc, có một ông thầy cúng đi làm lễ cho người ta mà vô tình tìm được một quyển sách quý. ông thầy cúng liền theo chỉ dẫn của sách tìm đến một vùng đất vắng có ngôi mộ cổ. Lúc ấy vào khoảng cuối thu. Không hiểu ông thầy cúng làm gì mà đột nhiên gió lắc mạnh cái bia cạnh cây duối vỡ tan. Cái bia bằng đá vỡ ra để lộ ngôi mộ. ông thầy liền nhảy xuống, đọc thần chú, những người đi theo giúp ông bật được một cái cửa gạch.

Sau đó ông tìm được một cái chìa vôi bạc, còn lá trầu bạc thì không hiểu sao không tìm thấy. Ông thầy đem chiếc chìa vôi lên Hà Nội nhờ bán, nhưng mãi không có người mua. Cho đến năm 1957- 1958, chiếc chìa vôi vẫn còn ở trong kho đồ cổ nhà ông Hải, về sau chiến tranh loạn lạc mới thất lạc.

Cũng là gia đình có nghề, ông cụ nội ông Hải mới đem ra bấm độn và hỏi kĩ chuyện thì mới biết, hóa ra ông thầy cúng tìm được cuốn sách, niệm chú cho đá vỡ, đáng lẽ ông ta lấy được vàng nhưng hướng quay mặt của thần giữ của ở dưới mộ thế nào thì ông thầy không biết. Khi nhảy từ dưới hầm mộ lên không bị thần chém nhưng chỉ nhận được bạc.

Lúc ấy cụ nội ông Hải mới giở lại quyển sách ra, lật hết cả quyển, đọc kỹ nhưng không hề thấy một chi tiết nào nói đến hướng quay mặt của thần giữ của. Chỉ đến khi, ông cụ gỡ sợi chỉ bản ở gáy sách ra thì có một dòng chữ nhỏ có ghi thần giữ của quay mặt về hướng Bắc (?).


Chợ Chùa, Nam Trực, Nam Định ngày nay.

Cứu sống... thần giữ của

Trở lại những câu chuyện lưu truyền từ trong lịch sử xa xưa, cuối thời Bắc thuộc, năm 938, khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại được độc lập tự chủ cho người Việt, đồng thời cũng là lúc quan lại và những tài chủ phương Bắc phải rút về nước.

Đường xa, cướp bóc, lại thêm sự truy đuổi của quân lính triều đình, của cải đương nhiên sẽ hao mòn và mất mát, thậm chí sẽ có nguy cơ mất trắng. Họ mới bắt đầu nghĩ đến thần giữ của. Đội ngũ những nhà phù thủy trước đó, giờ được dịp dùng đến hữu hiệu. Họ bèn đi mua những người con gái trẻ còn trinh trắng để thực hiện âm mưu của mình.

Chuyện kể, có một gia đình nọ đang trong cơn nguy khốn thì có người Tàu đến hỏi mua con gái về làm lẽ. Người cha tuy nghèo nhưng vốn trước kia sinh ra trong một gia đình có học nên cũng bấm độn và lờ mờ nhận ra mục đích của người đến mua con. Ông mới dặn vợ đưa cho con gái một túi hạt vừng, chờ khi cấp bách thì dùng đến. Cô gái được đưa về nhà chồng, mấy hôm liền vẫn chưa được động phòng, đồ ăn thức uống được cung phụng chu đáo nhưng chỉ toàn đồ chay tịnh.

Tới một đêm, cô gái được đưa lên kiệu dẫn đi. Nghĩ điềm chẳng lành, cô bí mật bỏ vào túi áo nắm hạt vừng mà mẹ đưa cho trước đó. Trên đường đi, cô rắc hạt vừng xuống đường, lẫn vào với cỏ. Tới nơi, cô được người ta đặt vào một chiếc quan tài, đưa vào một hầm mộ, được uống một thứ nước gì đó để không còn khả năng chống cự nhưng vẫn ý thức được những việc làm đang diễn ra tại đó.

Xung quanh chiếc quan tài cô gái được đặt vào, những bình, lọ được sắp xếp theo một quy luật mà cô không hiểu được. Sau khi cho cô gái ngậm sâm, thầy phù thủy bắt đầu làm phép. Buổi làm phép và thần chú chỉ diễn ra trọn vẹn trong đêm. Kết thúc lễ, áo quan được đóng lại và cửa hầm mộ được bít vào.

Chừng một tháng sau, những hạt vừng được cô gái rải ra trên đường đi đã lên xanh non, gia đình cô mới lần theo dấu vết này. Khi tới nơi cuối cùng, cây vừng mọc lên đậm đặc thì đào lên và cứu được con gái? Do được ngậm sâm nên cô vẫn còn sống, gia đình đồng thời có được kho báu. Nhưng về sau, do sợ bị trả thù, họ cũng phải kéo nhau đến di cư ở vùng khác.

Vào cuối thời Bắc thuộc trở đi, những câu chuyện về thần giữ của xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí trước khi kết thúc thời kì này đã lưu truyền một truyền thuyết trong dân gian về chuyện một nữ tướng của Hai Bà Trưng từng suýt trở thành thần giữ của.

Chuyện kể, trong một lần hành quân vào ban đêm, đội quân của Hai Bà đã bắt gặp một đoàn người Tàu khả nghi mang theo một chiếc kiệu. Đến khi cho quân thám thính đi kiểm tra thì phát hiện ra đó là đoàn người đi chôn của. Hai Bà đã cho lính vây bắt và cứu được một người con gái đẹp sắp trở thành vật tế thần. Người con gái cảm tạ công đức của Hai Bà đã tình nguyện đi theo dưới trướng. Về sau, vị nữ tướng này đã lập nên nhiều chiến công và trở thành nỗi khiếp sợ đối với quân Nam Hán.

Có lời nguyền, có phép đố thì cũng sẽ có lời giải. Đi tìm nguyên nhân, cách thức và lời hóa giải đó chúng ta mới thấy cuốn hút lạ thường... 


Phần 3 : Đi tìm vết tích của " Thần giữ của "


Những truyền thuyết về thần giữ của không chỉ dừng lại ở những câu chuyện lưu truyền trong dân gian mà còn được biết đến qua những câu chuyện có thật đã từng được báo chí phản ánh. Sau mỗi câu chuyện lại là sự hoài nghi xoay quanh vấn đề này.


Thần giữ của ở núi Bạch Tuyết

Nằm ngay cạnh đại lộ Thăng Long, thuộc xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), ngọn núi thiêng có tên Bạch Tuyết trong nhiều năm đã lưu truyền về một kho báu với vô số ngọc ngà, vàng bạc. Đây là một quả núi thấp với vỏn vẹn 4 hòn đá. Trên từng tảng đá, có nhiều cây to vươn cao và thẳng, đã tạo nên sự khác biệt với những ngọn núi ở xung quanh. Núi còn có tên khác là núi Cô Tiên.




Núi Bạch Tuyết ở xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội với lời đồn là nơi có một kho báu nhưng không thể động tới.

Các cụ già trong làng kể: Ngày xưa, để giữ lại kho báu cho con cháu mình, người Tàu đã tìm mua người con gái còn băng trinh chôn cùng làm thần giữ của. Người con gái ấy tên là Bạch Tuyết nên núi mới có cái tên như vậy. Về sau, núi trở thành núi thiêng, với những câu chuyện liên quan về thần cho của và sự trừng phạt những người dám đến xâm phạm.

Có một điều lạ khác là nhiều hôm cứ đến 4h chiều, ở núi Bạch Tuyết lại bốc ra mùi như nước mắm nồng nặc, khó chịu. Bởi thế, người dân ai cũng sợ, không dám xâm phạm. Điều này khiến ngọn núi lại được bao bọc thêm một lớp màn huyền bí.

Lời đồn về của cải chôn trong núi đã dẫn đến hàng loạt những đạo chích tìm đến. ông Nguyễn Tài Hận, một đại gia có máu mặt một thời đã thuê cả một đội quân đến khai quật núi nhằm "giải thiêng". Sau nhiều ngày đào bới, đoàn đã khám phá ra hai hàng đá được xếp song song với khoảng 40 - 50 khối đá.

Tiếp đó là một con rùa và nhiều mô đất bí ẩn xung quanh. Có nhiều tảng đá chắn ngang. Khi đá được phá ra, một khoảng không xuất hiện với rất nhiều hình hài lạ. Rọi đèn pin xuống thì không thấy đáy. Đúng lúc có nhiều tiếng động lạ, sợ núi sập nên mọi người đành dừng lại. Cuộc khai quật những ngày sau đó cũng không đem lại kết quả gì khả quan.

Ngay sau khi đội khai quật kết thúc việc tìm kiếm kho báu, nhiều người trong số họ mắc những căn bệnh lạ, cuộc sống gia đình trở nên lục đục. Về sau, gia đình họ đem lễ lên núi cúng bái thì bệnh tật mới xuôi (?)
Về phần ông Hận, cuộc khai quật đã ngốn của ông một số tiền không nhỏ, không những thế, về sau công việc làm ăn cũng không được thuận lợi. Gia sản của ông cũng dần tứ tán hết.

Xung quanh núi Bạch Tuyết còn nhiều truyền thuyết khác nhau nhuốm màu huyền bí. Theo ông Nguyễn Sỹ Tiến, cán bộ văn hóa xã cho biết, những lời đồn là không có căn cứ. Tuy vậy, nó lại thuộc về tín ngưỡng của người dân.

Thần giữ của tại thôn Miếu Lạc

Tại thôn Miếu Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, Hải Dương, người dân vẫn còn lưu truyền câu chuyện về thần giữ của ngay trên nền đất nhà một cán bộ xã. Trước đó, gia đình vị cán bộ này ở sâu trong làng, đến khi di chuyển ra ngôi nhà mới thì ban đêm bà vợ thường mơ thấy có người con gái hiện lên như có điều gì ẩn ức. Bà bảo có lần người con gái đã viết tên mình là Hoa.

Sau đó bà có đi xem thầy và về lập cây hương để thờ. Kỳ lạ, từ khi lập cây hương, bà cứ như người lẩn thẩn, thỉnh thoảng hay lảm nhảm, rồi đột nhiên lại có khả năng xem bói và cúng lễ cho những người khác. Gia đình nghi ngờ tưởng bà có vấn đề tâm thần, nhiều lần đưa bà đi chạy chữa nhưng đều không có tác dụng. Về sau con cháu mới tìm đến một thầy phong thủy có tiếng đến xem lại gia trạch. Thầy phong thủy xem xong, thấy trong nhà có vật linh thiêng.

Sau nhiều lần đắn đo cân nhắc, con cháu trong nhà đều nhất trí để đào nền nhà lên xem xét. Khi đào sâu được khoảng một mét rưỡi thì lộ ra một quan tài rất đẹp, gỗ còn tốt. Anh con rể của gia đình hăng hái nhảy xuống hố bới, lộ rõ 2 chiếc quan tài nằm bắt chéo nhau chữ X, cái trên nằm theo chiều Tây ghé Nam 15 độ - Đông Bắc ghé 15 độ. Tự nhiên anh con rể ú ớ co giật liên tục, mọi người trong nhà phải vội vàng bế lên. ông cán bộ xã thì đột nhiên đau bụng lăn lộn. Cả nhà vội vã cùng nhau đi bệnh viện. Đi được 500 mét thì ông lại bình thường. 

Từ đó trong nhà không ai còn dám động chạm đến 2 chiếc quan tài này nữa. Chuyện diễn ra vào đầu những năm 2000, cho tới nay người dân Đồng Lạc vẫn còn nhắc tới như một điều linh thiêng, cấm kỵ. Cuộc sống bình thường cũng đã quay trở lại với gia đình vị cán bộ xã nọ. Nhưng câu chuyện này cũng ít nhiều nói lên những nghi vấn về thần giữ của. Câu chuyện trên vẫn chỉ là lời kể, mang tính truyền thuyết nhiều hơn. Thật ra đến giờ vẫn chưa được ai kiểm chứng...



Chùa Ón ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội với lời nguyền độc khiến người dân tiếc nuối bởi kho báu bị mang đi sau khi lập đàn tràng cúng tế.

Chùa Ón và lời nguyền độc?

Cách trung tâm Hà Nội chừng 60km, làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây hiện vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của văn hóa làng Việt cổ. Để đi vào làng phải đi qua một ngôi chùa nhỏ là chùa Ón hay còn gọi là chùa ón Vật. Chùa không có sư trụ trì, bên trong chỉ có mộ bát hương để trên bệ gạch hoang tàn lạnh lẽo quanh năm. Chùa cũng không có tượng pháp, không hoành phi câu đối, ngoài dăm ba câu đối chữ nho đề năm tháng xây dựng cũng chung chung không thể xác định được niên đại.

Chùa Ón vốn là nơi người Tàu để của (?). Khi về nước, người Tàu không thể mang hết được của cải về mới dựng nên chùa và để lại lời nguyền phải giết đủ 99 đàn bà chửa làm lễ vật thì sẽ lấy được vàng bạc châu báu. Vì lời nguyền quá độc nên dân làng không ai dám làm điều thất đức đó. Tuy vậy, niềm hoài nghi vẫn còn.

Đến một năm, có đoàn người ở nước láng giềng về thăm làng, ăn ở và nghỉ lại đó. Được mấy ngày, họ kéo nhau ra chùa Ón và lập một đàn tế. Đàn tràng được che bằng tấm dù ngũ sắc, dựng trên 7 cái cột sơn màu sắc khác nhau. Nửa đêm tế mà dân làng không biết.

Sáng hôm sau khi dân làng đi làm đồng qua chùa ón thì chỉ còn lại những vết tích của đàn tràng. Đất trước sân chùa bị đào bới lung tung. Trên chiếc bàn gỗ nhỏ gần đấy có chiếc đĩa sứ Giang Tây màu lam ngọ. Trên đĩa có 99 cái đòng đòng lúa, lúc bấy giờ người trong làng mới vỡ ra đầy tiếc nuối... Thực hư câu chuyện này vẫn chỉ là lời đồn, dân làng chẳng ai dám quả quyết là nhìn thấy...

Phép thuật lập thần giữ của

Khi tìm hiểu sâu về vấn đề này, chúng tôi may mắn có được sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu về dân gian, dân tộc học, lịch sử, khảo cổ và  có được những tư liệu quý giá. May mắn hơn nữa khi đồng thời chúng tôi có được sự hợp tác của anh N.V.T - một người có dòng dõi 7 đời làm thầy phù thủy ở làng Me, Bắc Ninh. Anh T tuy hiện giờ không theo nghiệp gia đình, chuyển sang làm nghề thủ công mỹ nghệ ở một làng ven Hà Nội, nhưng đã cung cấp những tư liệu thực tiễn khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Theo anh T, bên cạnh những vấn đề về phép thuật mà bản thân anh cũng không giải thích được thì còn có những điều hoàn toàn dựa trên các quy luật, nguyên tắc của khoa học. Để thực hiện thành công một ca thần giữ của phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.

Từ việc lựa chọn thầy phù thủy, chọn ngày giờ, chọn địa trạch cho tới các phương thức trấn yểm bùa chú đều phải dựa trên sự tuần hoàn của thiên nhiên, sự tương tác giữa người và vật... Trên những quy luật của âm dương, bát quái, dịch, lễ mà người ta mới lập nên thần và lời nguyền, việc hóa giải cũng dựa trên đó mà theo.

Cho tới nay, tuy nhiều đời đã trôi qua, nhưng những kho báu nằm sâu trong lòng đất thì vẫn còn là dấu hỏi. Một số đã được hóa giải bằng chính con cháu của những người chôn cất, một số khác được biết đến do những sự vô tình khác nhau. Chỉ cần tính toán chậm một nước ở cả khâu lập kho báu lẫn khâu xin kho báu về thì tỷ lệ thành công đã bị dịch chuyển lớn. Chỉ khi nào lời nguyền và lời giải hoàn toàn khớp nhau thì kho báu mới được giải phóng hoàn toàn và trọn vẹn (!?).

Không có một quy tắc, một lời nguyền cũng như lời hóa giải chung nào, ở mỗi vùng miền, mỗi thầy phù thủy lại có một phương thức lập thần giữ của khác nhau. Sự khác biệt này đồng thời cũng tạo nên thuận lợi trong việc bảo mật cho kho báu. Nhưng tựu chung vẫn phải trải qua lần lượt những bước nhất định: Chọn đất, chọn thời điểm, chọn người, chọn bùa chú,...

Những bí ẩn về quy luật cũng như các bước lập thần giữ của sẽ được chúng tôi làm rõ trong phần sau. Còn những câu chuyện kể trên trong báo xin được nhắc lại: Vẫn chỉ là những truyền thuyết, những câu chuyện cửa miệng, chưa được một ai kiểm chứng kể cả gọi là người trong cuộc...


Phần 4 : Hóa giải nỗi oan về " Thần giữ của "


Bên cạnh những yếu tố phù phép, bùa ngải mang tính chất dị đoan thì thần giữ của vẫn còn có những cơ sở khoa học để lý giải. Đây cũng chính là chiếc chìa khóa để từ đó những nhà khoa học mở dần cánh cửa nghi vấn và hóa giải những nỗi oan của thần.


Điểm xuất phát của thần giữ của

Việc chôn giấu và lưu giữ kho báu, lương thực là một trong những bản năng thuộc về con người, nó tồn tại từ khi cộng đồng mới bắt đầu hình thành với những thứ của cải sơ khai như ngũ cốc, thực phẩm, công cụ lao động, trang sức, cho tới vàng bạc, châu báu, tiền trong xã hội hiện đại. Việc làm này nhằm đảm bảo lo xa cho tương lai của cá nhân các gia đình và con cháu người có của.

Để đảm bảo cho các kho báu của mình được bền vững và đến đúng với địa chỉ người nhận trong tương lai, họ đã phải sử dụng những biện pháp bảo vệ, canh giữ khác nhau. Từ các loại bẫy đơn giản như chông, hầm, cung tên, cho tới đạn dược, thuốc độc. Bùa phép được xem như hình thức bảo vệ cao nhất, từ các thổ dân châu Mỹ, châu Úc, châu Phi cho tới các tộc người Ấn Độ, Ai Cập,  ở mỗi nơi khác nhau, hình thức bùa chú này lại đi liền với tín ngưỡng và tôn giáo của người sở tại. Trên cơ sở chính thống và không chính thống, các loại phép thuật này lại được xếp là tà thuật hay không.

Thông thường, với những trường hợp mang tính chất cộng đồng hoặc phục vụ cho những người lãnh đạo cấp cao, phép thuật và việc chôn giấu của cải đó được chấp nhận dưới nhiều vỏ bọc. Những lăng mộ của các pharaong Ai Cập, các vị hoàng đế Trung Hoa, các tháp cổ của người Maya - châu Mỹ, là những đại diện tiêu biểu cho việc đi kèm với người chết thì vàng bạc, của cải cũng được chôn cất theo, thậm chí chôn cả người sống. Việc đem vấn đề này để đối chiếu với thần giữ của có vẻ khập khiễng nhưng có cơ sở về quan niệm và nguồn gốc của tục chôn người chết cùng của cải.



Nhà sử học Lê Văn Lan

Do tính chất gần gũi giữa Việt Nam và Trung Hoa, sự ảnh hưởng qua lại văn hóa hai nước, chúng tôi đã tìm hiểu sâu hơn về tục tuẫn táng (chôn người sống) của người Trung Hoa cổ đại. Đây là một chế độ dã man tàn nhẫn của người cổ đại, dần dần nó được thay thế bằng tượng gỗ, tượng gốm. Ở Trung Hoa, từ Tần Hán trở đi thì ít có người bị tuẫn táng như vậy, nhưng đến thời nhà Liêu, tục này lại một lần nữa sống lại. Liêu Thái Tổ sau khi chết đã lệnh bức phải chôn theo 100 vị đại thần, đến thời nhà Kim, Nguyên, Minh thì chế độ này vẫn tiếp diễn, mãi cho tới thời Minh Anh Tông mới kết thúc. Đến thời đầu Mãn Thanh, tục tuẫn táng lại được duy trì cho tới thời Khang Hy mới chấm dứt hẳn.

Trong chiến tranh với Nhật ở Mãn Châu, hiện tượng mua trẻ nam và trẻ nữ để tuẫn táng vẫn còn. Tờ Xích Phong nhật báo năm 1943 của Trung Quốc có đăng, sau khi Bốc Đan - đạo trưởng của Ngao hán kì kì (một chức danh của người Thanh - PV) chết, thuộc hạ của ông ta đã mua 4 đứa trẻ để chuẩn bị cho việc chôn cất. Việc này tuy không thành nhưng cũng đủ cho thấy việc chôn người sống đã ăn sâu vào suy nghĩ của một số thành phần trong xã hội Trung Hoa xưa như một lá bùa để đảm bảo cho bản thân họ.

Trong tất cả các trường hợp kể trên, khi chôn người, đương nhiên không chỉ là một hình thức mai táng mà còn là để bảo tồn của cải và quyền lực của người sống cũng như người chết. Việc phù phép, trấn yểm là hành động bổ trợ cao nhất mà người xưa tìm đến để tạo nên những lớp khóa bảo vệ.

Trong các hầm mộ, người ta dựa trên cơ sở thiên- địa- nhân, kinh dịch, bát quái, phong thủy, để bố trí và sắp xếp sao cho phép thuật đạt mức cao nhất. Việc phát hiện ra lăng mộ Tần Thủy Hoàng với hàng ngàn binh mã năm 1974 tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc đã khiến thế giới phải kinh ngạc. Ông Vua nổi tiếng lịch sử Trung Hoa này được chôn cùng với nhiều ngọc ngà châu báu, những tác phẩm thủ công tinh xảo và một mô hình vũ trụ hoàn chỉnh được khảm ngọc, đặt trong dòng thủy ngân để biểu tượng cho dòng sông đang chảy hoặc có thể diệt vi khuẩn và gây độc chết người cho những người đời sau muốn phá mộ. Hơn 700.000 nhân công xây dựng lăng mộ trong 38 năm, khi công trình này kết thúc, những người có liên quan cũng bị chôn sống cùng công trình. Những người bị chôn sống này không mang ý nghĩa thần nhưng qua việc bố trí hầm mộ cho thấy người xưa đã sử dụng các thủ pháp như thuốc độc, bẫy để bảo vệ cho công trình của mình.

 Ở Việt Nam, suốt 1000 năm Bắc thuộc, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa khá đậm đặc do những luồng di cư từ phía Bắc xuống, phần khác do chính sách nô dịch áp đặt lên người Việt. Tuy không bị đồng hóa nhưng sự ảnh hưởng thì chúng ta vẫn phải thừa nhận. Chữ Hán, tôn giáo người Hán như Nho, Đạo, Lão, thậm chí cả đạo phù thủy cũng được theo vào. 138 vị thái thú lần lượt thay nhau sang cai quản đất An Nam. Con cháu những người này cũng trở thành những người có của do sự cướp bóc của ông cha. Họ đa phần là những người có trình độ, có khả năng tính toán và tiên liệu sự việc trước. Chính vì vậy, được sự hỗ trợ của các thầy phù thủy, thầy pháp cao tay, họ đã lập ra thứ gọi là thần giữ của một cách thâm độc và tàn ác đối với người Việt.

Lý giải của các nhà khoa học

Việc lập và hóa giải thần giữ của có thể xem như một cuộc đối kháng giữa người Việt và người Hán. Theo ước tính, con số thất bại của các trường hợp lập thần giữ của lên tới 30-40%. Nguyên nhân thất bại một phần do sự đổi vận của thế đất, sự thất lạc của khẩu quyết, gia phả các dòng họ, sự tính toán hụt của thầy pháp, một phần nữa do chính việc nghiên cứu và đoán định của các thầy nho, thầy pháp, thầy phù thủy Việt đã hóa giải được những vòng khóa của họ.

Hiện nay, số kho báu còn lại trong lòng đất Việt là bao nhiêu vẫn chưa có cách nào xác định được. Theo những nghiên cứu của cố giáo sư Hoàng Phương trong cuốn Tích hợp văn hóa Đông Tây thì từ Nam Sách- Hải Dương đến biên giới Việt Trung theo hướng Đông Bắc, có trên 300 điểm chôn vàng. Thực tế, con số này có thể hơn gấp nhiều lần bởi vẫn còn rất nhiều những con đường độc đạo, những địa danh đã hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử, trở thành những nơi hoang vu không có sự sống của con người làm cho việc kiểm định trở nên khó khăn. Những trường hợp cụ thể chúng tôi có nhắc đến trong loạt bài về thần giữ của chỉ là những hiếm hoi phát lộ được.



Nhà nghiên cứu hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Vì sự cám dỗ của vàng bạc, châu báu được chôn cất trong những kho tàng ẩn sâu trong lòng đất đã kéo theo hàng đoàn người đi kiếm của. Cho tới nay, những đội quân này vẫn tiếp tục tham vọng của mình, có những kho báu tìm thấy, có những trường hợp trắng tay nhưng dù được hay mất vẫn thường đi kèm với những chuyện không may. Hầu hết họ đều là những người tự phát, không có kiến thức đầy đủ, không tìm hiểu kĩ càng việc bài bố về những hầm mộ, thậm chí thiếu sót những thông tin và kinh nghiệm khảo cổ vốn rất cần thiết. Chất độc, cạm bẫy khó tránh khỏi dễ dẫn đến cho họ bệnh tật, ốm đau, thậm chí chết chóc. Một phần cũng do tâm lý hoang mang, sợ hãi càng làm cho lớp màn phép thuật trở nên dày và biến ảo hơn.

Theo chia sẻ của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, lúc ông còn nhỏ, đã nghe tới việc người Tàu để của ở Việt Nam khi buộc phải rời đi. Họ nghĩ tới việc chôn một cô gái còn trinh cùng với số của cải của mình để thực hiện việc lập thần, trấn yểm. Những hoài nghi đó đến khi lớn lên, làm khoa học, ông hoàn toàn có thể khẳng định được điều này là có cơ sở, qua những mộ Hán xây bằng gạch được tìm thấy ở các điểm khai quật ở nhiều nơi. Đây là một vấn đề thuộc về lịch sử chứ không có chút mê tín dị đoan nào. Người Trung Quốc sang Việt Nam vừa bóc lột nhân dân ta, đến khi về nước lại tàn độc dùng chính người Việt để thực hiện âm mưu giữ của.

Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - trường ĐH KHXH&NV, người đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa và các yếu tố dân gian trên thế giới cho rằng, truyền thuyết về thần giữ của chỉ là một bộ phận trong tín ngưỡng về thần giữ của. Tín ngưỡng này tồn tại một cách khách quan. Việc chôn sống nô lệ, người hay động vật vì một tín ngưỡng, tập tục nào đó là có thật trong lịch sử nhân loại. Còn truyền thuyết kể về nó thì cũng như bất kì truyền thuyết nào trên thế giới. Tin tất cả vào truyền thuyết cũng giống như tin tất cả vào tiểu thuyết. Có những sự trùng lặp về sự thật diễn ra sau một lời nguyền nào đó sẽ chẳng có gì là huyền bí đối với tương lai của khoa học, chỉ có điều ở thời điểm hiện tại chưa thể giải thích được. Loại trừ dần cái bể mênh mông của những lời đồn thì sẽ tồn tại một phần sự thật. Phần sự thật đó trước sau cũng sẽ được khoa học giải thích.


Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2