Lượt thăm:240703470   Đang Online: 820

Số lượt xem: 2353
Gửi lúc 11:15' 05/12/2018
Bộ Xây dựng: Tình hình thực hiện các nhiệm vụ tháng 11 và 11 tháng năm 2018

Phúc đáp công văn số 8156/BKHĐT-TH ngày 15/11/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng đã có Văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.



Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn TP Hà Nội

Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ

Ngày 10/01/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-BXD về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018: Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm nâng cao chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đảm bảo đồng bộ, bền vững; thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trọng tâm là nhà ở xã hội; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh; thực hiện tái cơ cấu ngành Xây dựng, đẩy mạnh cổ phần hóa.

Tình hình thực hiện các nhiệm vụ tháng 11 và 11 tháng năm 2018 của Bộ Xây dựng

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế

Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng văn bản pháp luật và các đề án năm 2018, tham mưu ban hành các văn bản, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ, bảo đảm tiến độ:

Đã hoàn thành, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị (Tờ trình số 85/TTr-CP ngày 27/03/2018) ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị (Tờ trình số 102/TTr-CP ngày 05/4/2018) , Bộ Xây dựng đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật này để trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới. Riêng sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) để nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Xây dựng có văn bản số 2655/BXD-PC báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 10551/VPCP-PL ngày 30/10/2018.

Đã trình Chính phủ dự thảo Luật Kiến trúc (Tờ trình số 32/TTr-BXD ngày 28/6/2018), trình Quốc hội (Tờ trình số 310/TTr-CP ngày 02/8/2018). Trong tháng 10, Bộ Xây dựng đã có văn bản (số 2579/BXD-QHKT ngày 16/10/2018) về dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội gửi Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ VI. Ngày 14/11/2018, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần 1 về Dự thảo Luật Kiến trúc.

Đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng ; Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng .

Đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Quyết định, 02 Chỉ thị (trong đó, tháng 10 ban hành 01 Chỉ thị); ban hành theo thẩm quyền 08 Thông tư .

Công tác rà soát, đánh giá tình hình thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành cũng được thường xuyên thực hiện . Việc tổ chức đối thoại với Hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan để tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người dân được quan tâm, thực hiện thường xuyên hơn.

Đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; phối hợp với VCCI tổ chức Hội nghị lắng nghe phản ánh những khó khăn, vướng mắc đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và môi trường rà soát, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ có liên quan để triển khai, cụ thế hóa các kết quả của Hội nghị và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kết luận Hội nghị.

Triển khai Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Đề án thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (Quyết định số 1222/QĐ-BXD ngày 24/9/2018); Ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng Phiên bản 1.0 (Quyết định số 1226/QĐ-BXD ngày 25/9/2018).

Công tác quản lý hoạt động xây dựng

Tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện 02 Đề án: “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng công trình” và “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”. Việc thực hiện tốt 02 Đề án quan trọng này sẽ tạo ra sự đột phá trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát lãng phí, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng.

Tiếp tục triển khai công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, các Nghị định: số 59/2015/NĐ-CP và số 42/2017/NĐ-CP.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, theo đó: tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian thẩm định thiết kế cơ sở (giảm tối thiểu 5 ngày), thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công (giảm tối thiểu 4 ngày), cấp phép xây dựng (giảm tối thiểu 10 ngày); tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để thực hiện đồng thời, song song các thủ tục hành chính.

Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện rà soát, cải cách quy trình, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp giấy phép xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân thực hiện các hoạt động xây dựng. Công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đã nề nếp hơn, việc vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể.

Về quản lý điều kiện năng lực hoạt động xây dựng và cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng: Trong 10 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng đã tổ chức xét, cấp chứng chỉ năng lực cho 1.044 tổ chức hạng I, cấp chứng chỉ hành nghề cho 5.653 cá nhân hoạt động xây dựng hạng I, cấp gần 90 giấy phép cho nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

Tình hình chất lượng các công trình xây dựng cơ bản được đảm bảo, chất lượng các công trình trọng điểm, có quy mô lớn được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả.

Trong 10 tháng năm 2018, Bộ đã tổ chức kiểm tra tại một số công trình thủy điện, chất lượng các công trình được kiểm tra về cơ bản đảm bảo an toàn ; hướng dẫn các chủ thể có liên quan xử lý 03 sự cố công trình . Thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Bộ đã tổ chức kiểm tra đối với 08 công trình , đã ban hành 08 thông báo kết quả kiểm tra; đã tổ chức 79 đợt đối với các công trình thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó có 7 công trình được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng toàn bộ hoặc từng phần, từng gói thầu; kịp thời hướng dẫn các chủ đầu tư và các bên liên quan tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công.

Giải quyết sự cố: Hướng dẫn các chủ thể có liên quan xử lý 03 sự cố (sập giàn giáo công trình Khu vực cây xanh kết hợp bãi đỗ xe và dịch vụ dành cho ô tô; cháy tại công trình Carina Plaza; dự án thủy điện Sông Bung 2); Tập hợp thông tin về sự cố kỹ thuật liên quan đến sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng đối với sự cố ngày 28/9/2018 tại công trình Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại ô đất 4.6 NO đường Lê Văn Lương.

Đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg về kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị của các địa phương (Báo cáo số 438/BC-BXD ngày 8/3/2018) .

Phối hợp với Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tham gia đoàn kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng và các cơ sở tập trung đông người tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Hải Phòng...

Công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch 

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp... Trong năm 2018, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thành công tác quy hoạch, cụ thể: Đã tổ chức thẩm định 09 nhiệm vụ quy hoạch, trong đó 06 nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt , đang tổ chức thẩm định 03 nhiệm vụ; Đã tổ chức hội đồng thẩm định 14 Đồ án. Trong đó, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 Đồ án , đang trình Thủ tướng Chính phủ 11 đồ án; Đang tổ chức lập 02 Đồ án.

Triển khai thực hiện Đề án Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 (lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng thí điểm vùng huyện tại 8 địa phương ; theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng nông thôn mới tại 02 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang); Hoàn thành việc nghiên cứu 08 thiết kế đô thị mẫu đặc trưng theo từng vùng miền để áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước; tham gia công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc tại các công trình trọng điểm quốc gia .

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh các quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị, các quy định về quản lý sử dụng các công trình, giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn theo phân cấp .

Tỷ lệ lập Quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; Quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%; Quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ số xã có QHXD nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8.926 xã).

Công tác quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật

Tiếp tục nâng cao thực chất, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị; tập trung nghiên cứu hình thành các mô hình mới về phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh,..: Đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; tập trung nghiên cứu, xây dựng 02 Đề án: Đổi mới phương pháp luận quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp với tình hình mới; Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và các công cụ để quản lý, kiểm soát hiệu quả quá trình phát triển đô thị; Đã hoàn thành các Chỉ thị để trình Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt (Tờ trình số 41/TTr-BXD ngày 13/9/2018), về việc tăng cường công tác quản lý cao độ nền đô thị (Tờ trình số 42/TT-BXD ngày 13/9/2018); Tập trung nghiên cứu, rà soát xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Đã trình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 nhiệm vụ lĩnh vực hạ tầng , Bộ Xây dựng đang phối với các đơn vị liên quan tổ chức lập quy hoạch. Hiện đang phối hợp với các đơn vị thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Ban hành Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch năm 2017.

Xây dựng kế hoạch và tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam , Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp Chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo hướng phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các điều kiện yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: Nghiên cứu điều chỉnh Chiến lược phát triển đô thị quốc gia, xây dựng Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2020-2030, Điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam; xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; xây dựng Đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, đề án Nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020; Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp; Điều chỉnh định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp.

Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050; Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020; Chương trình Quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025 và Chương trình chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025. Triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về đầu tư xử lý nước thải, trước mắt tập trung tại các đô thị lớn và các lưu vực sông theo lộ trình hợp lý.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, đã tổ chức thẩm định các đề án phân loại đô thị và có quyết định công nhận loại đô thị cho 10 Đề án , đang thẩm định 16 đề án. Tính đến hết tháng 10/2018, Tổng số đô thị cả nước là 819 đô thị (tăng thêm 6 đô thị so với cuối năm 2017), bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 646 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 38,4%. 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt (tương đương 805 đồ án); Về rà soát, đánh giá phân loại đô thị và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của các khu vực thành lập phường, đã có ý kiến trả lời 10 đề án.

Công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản

Tiếp tục xây dựng hệ thống công cụ để quản lý kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng ổn định bền vững với cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ, kết nối liên thông với các thị trường khác của nền kinh tế: đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh” (Tờ trình số số 175/TTr-BXD ngày 8/10/2018) và “Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2018-2021” (Tờ trình số 131/TTr-BXD ngày 30/7/2018). Ngày 21/11/2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 200/BXD-QLN gửi Văn phòng Chính phủ về giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý về nội dung Đề án “Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2018-2021”.

Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trưởng bất động sản đảm bảo an sinh xã hội”, do Đề án có liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị. Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2422/BXD-PC ngày 27/9/2018 gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Đề án sang tháng 6/2019.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; phối hợp với Ngân hàng nhà nước nghiên cứu hoàn thiện, điều chỉnh chính sách tín dụng trong lĩnh vực bất động sản.

Nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả các công cụ, giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, không để xảy ra các dấu hiệu cực đoan, đảm bảo công khai, minh bạch của thị trường. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho thuê.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình hợp lý để huy động các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương trọng điểm.

Nghiên cứu sự phù hợp của các quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại Luật Nhà ở, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP, Thông tư số 21/2016/TT-BXD với tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về công tác cải tạo, xây dựng lại chung cũ tại các địa phương.

Tập trung đẩy mạnh các chương trình phát triển nhà ở xã hội: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng: Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các bộ ngành, địa phương hoàn thành dứt điểm chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng trong năm 2018. Trong 10 tháng năm 2018, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 228.514 hộ (gồm 113.937 hộ xây mới 114.577 hộ sửa chữa), đang triển khai hỗ trợ cho 57.896 hộ (gồm 26.346 hộ xây mới và 31.550 hộ sửa chữa); Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn: Theo đề án của các địa phương có 268.000 hộ thuộc đối tượng chương trình được hỗ trợ đã đăng ký vay vốn. Đến nay, đã có đã có 80.255 hộ dân tại 56 tỉnh, thành hoàn thành xây dựng nhà ở vay vốn với dư nợ là 1.992 tỷ đồng. Năm 2018, dự kiến hỗ trợ cho 25% số đối tượng chương trình là 67.166 hộ; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung: Chương trình đã thực hiện hỗ trợ được 15.664/23.525 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt (đạt 68%) ; đã có 05/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ ; 8/13 địa phương còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thực hiện đến năm 2021. Hiện nay, có 05/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, gồm Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và thành phố Đà Nẵng; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2020 (giai đoạn 2): Hiện nay, tình hình sạt lở tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra chiều theo chiều hướng phức tạp, do vậy Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 nhằm hoàn thiện đồng bộ và phát huy hiệu quả Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long 2001-2015 và đáp ứng nhu cầu di dời, ổn định đời sống cho khoảng 60.000 hộ dân; Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Đã hoàn thành 95 Dự án, quy mô hơn 39.200 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 1.960.000 m2; Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: Đã hoàn thành 100 Dự án, quy mô hơn 41.000 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 2.050.000 m2. Riêng năm 2018, có thêm 11 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đã hoàn thành, với quy mô hơn 5.800 căn.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Nhìn chung thị trường bất động sản cả nước về cơ bản vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào, phong phú. Nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản ngày càng tăng rõ rệt. Tính đến ngày 20/11/2018, Tồn kho căn hộ chung cư: 2.316 căn (tương đương 3.392 tỷ đồng); Tồn kho nhà thấp tầng: 2.724 căn (tương đương 6.446 tỷ đồng); Tồn kho đất nền nhà ở: 2.859.461 m2 (tương đương 11.075 tỷ đồng); Tồn kho đất nền thương mại: 507.270 m2 (tương đương 2.036 tỷ đồng).

Tình hình tồn kho bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội: Tính đến ngày 20/11/2018, tổng số tồn kho trên địa bàn thành phố Hà Nội còn khoảng 5.103 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở Quý I/2013 đã giảm 11.957 tỷ đồng (giảm 70,09%); so với tháng 12/2016 giảm 487 tỷ đồng (giảm 8,71%); so với 20/12/2017 giảm 190 tỷ đồng (giảm 3,59%); so với 20/10/2018 giảm 13 tỷ đồng.

Tình hình tồn kho bất động sản trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh: Tính đến ngày 20/11/2018, tổng giá trị tồn kho tại Tp. Hồ Chí Minh còn khoảng 4.215 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở Quý I/2013 đã giảm 24.527 tỷ đồng (giảm 85,34%); so với tháng 12/2016 giảm 1.586 tỷ đồng (giảm 27,34%); so với 20/12/2017 giảm 455 tỷ đồng (giảm 9,74%); so với 20/10/2018 giảm 24 tỷ đồng. 

Tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và Thông tư số 27/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP; Phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về thích ứng với biến đổi khí hậu, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và tăng trưởng xanh (đối với các nội dung giao Bộ Xây dựng chủ trì).

Công tác quản lý vật liệu xây dựng

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Xây dựng đã triển khai việc tổng hợp 02 đồ án quy hoạch Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu và Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng thành “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và có văn bản số 2184/BXD-VLXD ngày 30/8/2018 đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đề nghị Quy hoạch nêu trên phải tuân thủ Luật Quy hoạch trong khi chưa có các văn bản hướng dẫn liên quan. Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị đưa Quy hoạch nêu trên ra khỏi Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu (văn bản số 2641/BXD-VLXD ngày 23/10/2018) và đã được chấp thuận (văn bản số 11123/VPCP-CN ngày 15/11/2018).

Đã ban thành Thông tư 05/2018/TT-BXD về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng; tiếp tục nghiên cứu Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023” (đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn vào tháng 6/2019); Đề án“Phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025” và Dự thảo Thông tư “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng” trong tháng 10, Bộ Xây dựng đang gửi các Bộ, ngành và địa phương góp ý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ .

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng “Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2019; đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng”.

Tiếp tục triển khai Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Tham gia góp ý Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng các tỉnh, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thành phố trực thuộc trung ương cho các địa phương (Tây Ninh, Bình Thuận, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế); Kiểm tra công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng tại các địa phương: Hải Dương, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật đối với việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Tổ chức điều tra, đánh giá xử lý chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm vật liệu xây dựng, đánh giá tác động đến kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, báo cáo và đề xuất giải pháp với Thủ tướng Chính phủ .

Một số công tác khác

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng: Tiếp tục triển khai các đoàn Thanh tra theo Kế hoạch thanh tra 2018 và thực hiện tổng hợp bất cập của pháp luật qua thanh tra. Năm 2018, Bộ đã triển khai 81 đoàn / 87 đoàn (có văn bản đề nghị điều chỉnh và hoãn thanh tra 06 đoàn / 87 đoàn). Trong năm 2018 Thanh tra Bộ đã thực hiện giám sát đầy đủ đối với 86 đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, do thực hiện tốt nên trong năm chưa phát sinh khiếu nại, phản ảnh.

Ban hành 70 kết luận các đoàn thanh tra theo kế hoạch 2017 chuyển sang và các đoàn theo kế hoạch 2018; 109 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Kiến nghị xử lý hành chính đối với 205 tập thể và 122 cá nhân để xảy ra vi phạm.

Thành lập tổ công tác theo Quyết định số 168/QĐ-TTr ngày 16/5/2018 kiểm tra, rà soát tại các tỉnh về việc xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11 và kiểm tra, rà soát một số vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng theo quy định của Luật Khiếu nại; Tiếp tục triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

Hệ thống thông tin điện tử cơ sở dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng: Thiết lập và đưa vào hoạt động hệ thống thông tin điện tử cơ sở dữ liệu về QCVN, TCVN về xây dựng, tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng và nhanh nhất cho các đối tượng tham gia hoạt động xây dựng và cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

Công tác quản lý doanh nghiệp: Trong 11 tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa và chuyển 02 Tổng công ty Sông Đà và IDICO sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần; tổng số thu từ cổ phần hóa 02 Tổng công ty Sông Đà và IDICO là 4.601,6 tỷ đồng, trong đó đã nộp về ngân sách nhà nước là 4.082,60 tỷ đồng. Toàn bộ các doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa đều thực hiện niêm yết theo quy định; trong đó niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán 01 doanh nghiệp ; sàn giao dịch Upcom 11 doanh nghiệp .

Tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa đối với 02 Tổng công ty còn lại là Tổng công ty HUD và VICEM, trọng tâm là hoàn thành phương án sử dụng đất và thực hiện công tác xác định giá trị doanh nghiệp; tuy nhiên chưa đạt tiến độ đề ra và Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là quy mô doanh nghiệp cổ phần hóa lớn, gặp nhiều vướng mắc trong phương án sử dụng đất và giá đất, các quy định mới về cổ phần hóa .

Công tác thoái vốn: Đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng – CTCP; các Tổng công ty còn lại (gồm các Tổng công ty: VIGLACERA, VNCC, Xây dựng Hà Nội, FiCO, LILAMA, CC1, VIWASEEN, COMA và Sông Hồng) tiếp tục hoàn thiện phương án để thực hiện thoái vốn theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Xây dựng đã chấp thuận chủ trương cho các Tổng công ty thực hiện thoái, tăng, giảm vốn tại 21 công ty con, công ty liên kết ; thực hiện thoái vốn thành công tại 05 đơn vị .

Công tác xây dựng Dự án Nhà Quốc hội Lào:Tiếp tục triển khai Dự án. Bộ Xây dựng đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Tuy nhiên tổng mức đầu tư của dự án vượt mức 100 triệu USD quy định trong Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký nên Bộ Xây dựng đang rà soát lại tổng mức đầu tư và báo cáo Thường trực Ban Bí thư để xin ý kiến chỉ đạo về việc này. Về nguồn vốn, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư về viêc quản lý, sử dụng nguồn vốn từ Quỹ dự trữ ngoại hối viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Lào.

Công tác quản lý các đơn vị sự nghiệp công: Triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Xây dựng quản lý tại Quyết định số 162/QĐ-TTg ngày 31/01/2018; đang rà soát, tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2018. Tiếp tục rà soát, hoàn thành và ban hành đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Xây dựng quản lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 162/QĐ-TTg ngày 31/01/2018; đang rà soát, đánh giá thực trạng năng lực của các đơn vị sự nghiệp công lập để xây dựng kế hoạch, lộ trình những đơn vị có khả năng chuyển thành công ty cổ phần trong giai đoạn 2018-2020; đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Khánh An

Nguồn tin: baoxaydung.com

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2